tung buoc xay dung thuong hieu che hoang nong
Bà con xóm Gốc Sữa, xã Hoàng Nông (Đại Từ) thu hoạch chè.

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè bát ngát xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết: Sớm nhận thức được những lợi thế trong phát triển cây chè, nên bà con trong xã đã đầu tư mạnh vào trồng chè. Bằng việc không ngừng mở rộng diện tích chè, tận dụng toàn bộ diện tích đất có thể trồng chè, đến nay cây chè cơ bản phủ kín các diện tích vườn, đồi, soi bãi và cả những khu ruộng cấy lúa kém hiệu quả bà con cũng chuyển đổi sang trồng chè. Toàn xã có 14 xóm thì cả 14 xóm đều trồng chè với tổng diện tích 432ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là trên 338ha. Mấy năm gần đây, ở Hoàng Nông không ít hộ giàu lên nhờ làm chè.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuất, xóm An Sơn là một ví dụ. Trước đây, cùng với làm 8 sào chè, gia đình anh còn cấy 6 sào lúa. Nhưng do ruộng cao, khan nước, nên chỉ cấy được 1 vụ. Thấy cấy lúa hiệu quả thấp, ông Tuất đã mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích lúa này sang trồng chè. Đến nay, gia đình ông đã có tổng diện tích 13 sào chè, tất cả đều đã cho thu hái. Mỗi năm ông hái 7 lứa, thu về khoảng 52 tạ búp tươi. Nhờ đó, ông đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, kinh tế gia đình đã khấm khá lên nhiều, con cái có điều kiện tốt để học hành.

Cùng với mở rộng diện tích thì những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống chè, thay thế dần diện tích chè trung du già cỗi bằng các loại chè cành nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Để khẳng định thêm hiệu quả từ việc chuyển đổi giống chè, ông Tuấn dẫn chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất chè của gia đình anh Nguyễn Văn Chinh. Gia đình anh Chinh có gần 6 sào chè đang cho thu hoạch, toàn bộ là các giống chè giâm cành TRI 777 và LDP1. Để chè đạt năng suất và sản lượng cao, hằng năm anh Chinh đều tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do cán bộ khuyến nông tổ chức; tích cực tham khảo tài liệu hướng dẫn biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây chè qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Điều quan trọng là anh đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích chè giống cũ, năng suất thấp để đầu tư trồng lại bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với diện tích chè này mỗi năm gia đình anh thu được 24 tạ, số tiền thu được trên 70 triệu đồng.

Với sự chuyển đổi mạnh cơ cấu giống chè, đến nay, toàn xã đã có trên 300ha chè giống mới, chiếm trên 70% diện tích chè toàn xã. Ngoài việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, biện pháp tưới, trồng cây phân xanh và cây bóng mát… thì trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè cành chính là yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất chè của xã. Năm 2016, xã đã trồng thay thế được gần 20ha, đạt gần 200% so với kế hoạch. Mặc dù diện tích chè của xã không tăng trong 3 năm trở lại đây, nhưng năng suất mỗi năm một tăng. Hiện, năng suất chè trung bình của xã là 110 tạ búp tươi/ha, sản lượng đạt 4.133 tấn/năm, tăng trên 100 tấn so với năm 2015.

Nhờ cây chè, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, năm 2016, tổng số hộ nghèo của xã còn 203 hộ, chiếm trên 13%, giảm trên 5% so với năm trước, hộ cận nghèo là 148 hộ, chiếm gần 10%, giảm trên 6% so với năm 2015. Hiện nay, xã đang làm hồ sơ để công nhận 3 làng nghề chè là: Cầu Đá, Đoàn Kết và Gốc Sữa.

Không chỉ tập trung tăng năng suất, thời gian gần đây, bà con xã Hoàng Nông đặc biệt chú trọng đến chất lượng chè. Hoàng Nông là một trong những xã đầu tiên của tỉnh thực hiện sản xuất chè hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Nam, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ xóm Cầu Đá cho biết: Trước đây dù biết rằng sử dụng các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất cũng như không đảm bảo an toàn cho sản phẩm, nhưng vì quen với tập quán canh tác cũ, nên chúng tôi chỉ tự đi mua các loại phân hóa học về bón cho chè và cứ thấy sâu là phun thuốc trừ. Từ khi tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ, chúng tôi đã thay đổi cách làm, bón cây bằng phân vi sinh và sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc. Ban đầu việc thay đổi này có chút lung túng, năng suất chè cũng sụt giảm xuống còn 50%, nhưng đến lứa thứ hai năng suất bắt đầu tăng lên. Đến nay, năng suất chè của mô hình đạt khoảng 70 tạ/ha, tuy không cao bằng các diện tích chăm sóc thông thường, nhưng giá thành sản phẩm lại cao gấp đôi.

Ngoài mô hình sản xuất chè hữu cơ, hiện nay, xã đang triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, đã có 60 hộ đăng ký tham gia làm với tổng diện tích gần 20ha. Với sự hướng đến các sản phẩm chè an toàn, hy vọng thời gian tới, chất lượng chè của xã sẽ ngày càng được nâng lên, được nhiều khách hàng biết đến, từng bước xây dựng thương hiệu chè Hoàng Nông.