Theo Bộ GD-ĐT, khảo sát tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn một không gian riêng tư trong trường để nói và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Nghiên cứu trên 7 tỉnh phía Bắc cũng cho thấy có 20% các em học sinh bị tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

tu van tam ly hoc duong tranh kieu treo ra de day cho dep
Công tác tư vấn tâm lý học đường gặp khó về nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa)

Bàn về vấn đề này, tại hội thảo Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết phải tập trung chăm sóc đời sống, sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên, nhằm giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học. Do đó, các dịch vụ giáo dục như tham vấn học đường, tham vấn sức khỏe học đường, tham vấn về phương pháp học tập… đã trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Quý Thanh, công tác tham vấn, tư vấn học đường những năm qua đang gặp phải trở ngại về nguồn nhân lực. “Cho tới hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên dạy các chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như công tác học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên… Mặc dù hàng trăm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ song nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn trên thực tế của đội ngũ giáo viên”, GS Thanh chỉ rõ.

Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng: “So với các quốc gia phát triển, chúng ta vẫn đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em cũng như việc phát huy tối đa tiềm năng của học sinh. Hiện nay công tác tham vấn học đường đã và đang được triển khai, song số lượng vẫn còn hạn chế”.

Nhìn lại những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận thời gian qua, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, các mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh đang bị đảo lộn, những vụ “thanh lý” lẫn nhau diễn ra ngay trong chính môi trường sư phạm khiến toàn xã hội bức xúc và hoang mang. Theo TS Nam, tình trạng này hoàn toàn có thể được giảm thiểu nếu mỗi trường đều có đội ngũ tham vấn tâm lý, kịp thời có những phát hiện, hỗ trợ và đưa ra các giải pháp, mạng lưới kết nối chuyển tuyến cho những trường hợp cần can thiệp tâm lý sâu.

Về phía cơ quan quản lý, TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, quy định tại Thông tư 31, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.

Về quy mô, tính sơ bộ khoảng 14.000 trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, sẽ có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới.

Theo ông Linh, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên phải đặc biệt được quan tâm. Trước sức ép cuộc sống, nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả như nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, có khi tự tử…

“Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản, cố gắng không rơi vào “vết xe đổ” của các nước này khi giới trẻ bị trầm cảm nhiều, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ rất cao. Học sinh, sinh viên đang phải chịu sức ép thành tích do bố mẹ mang lại, các tác động từ xã hội, trong khi kỹ năng sống, kỹ năng xử lý vấn đề của học sinh còn yếu…”, ông Linh nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Bùi Văn Linh chỉ đạo các trường đào tạo tâm lý giáo dục phải có trách nhiệm: Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng (khoảng 5%). Nội dung tư vấn gồm: Tư vấn trong học tập, sức khỏe, các mối quan hệ, cách xử lý tình huống; trang bị kỹ năng sống; giáo dục giá trị sống…

Cần tránh kiểu treo ra để đấy

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tham vấn học đường là rất phức tạp, cần tính linh hoạt cao. Cán bộ làm công tác này phải hiểu biết nhiều, cũng như biết dạy kỹ năng sống, tham vấn hướng nghiệp cho học sinh sinh viên. “Tham vấn trong nhà trường khó không phải là nhận thức, điều quan trọng là phải giúp học sinh thay đổi hành vi dù sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải rất sáng tạo thì mới thành công”, TS Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm lo ngại, nếu không làm nhanh và tích cực công tác tư vấn học đường, ngành giáo dục sẽ còn tiếp tục phải giải quyết những sự cố phức tạp hơn nữa về bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn về việc hiện nay, Bộ Nội vụ đã có mã nghề cho ngành Tham vấn học đường, tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại chưa có quy định cụ thể về số lượng biên chế ngành này trong các trường học, dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. TS Tùng Lâm cho rằng, để thực hiện thành công hiệu quả công tác tham vấn học đường, cần thực hiện một cách đồng bộ, tránh việc “treo ra để đấy cho đẹp”./.