Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng và từ khi Đảng ra đời cho đến khi Người đi xa, Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định, luôn làm cho toàn Đảng quán triệt: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, Đảng phải luôn luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Ngay trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” viết năm 1927 Người đã chỉ rõ “Đảng muốn vững thì phải lấy chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”

Trong Chính cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã khẳng định “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, phải hết sức lãnh đạo cho dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”

Khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã sớm giáo dục toàn Đảng nguy cơ thoái hóa về bản chất giai cấp công nhân, sa vào tệ quan liêu hóa, xa rời quần chúng, trở thành tổ chức “làm quan” vi phạm quyền làm chủ của dân, xa rời mục tiêu cách mạng của Đảng. Người đã chỉ rõ 12 điều về “tư cách của Đảng chân chính cách mạng”. Trong 12 điều đó thì điều đầu tiên là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.


Cũng trong tác phẩm này Người đã nhấn mạnh về tính đảng - tức là bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Năm 1951, khi Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, Người khẳng định bản chất giai cấp công nhân của một Đảng cầm quyền và chỉ rõ trong điều kiện lịch sử mới quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một. Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên Đảng cũng là Đảng của dân tộc.

Cũng có người ngại nói Đảng của dân tộc và sợ trái với bản chất giai cấp công nhân, Đảng luôn luôn là Đảng của giai cấp công nhân theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân nhưng khi đã trở thành Đảng cầm quyền, khi Đảng thực sự là người vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, vừa đại diện cho lợi ích cả dân tộc, được cả dân tộc thừa nhận thì việc khẳng định Đảng cũng là Đảng của dân tộc là hoàn toàn đúng, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, là Đảng của giai cấp công nhân nên Đảng củng phải đặc biệt chú trọng đến thành phần công nhân trong công tác đảng viên và công tác cán bộ. Nhưng Đảng cũng tránh “chủ nghĩa thành phần” mà hẹp hòi không dám kết nạp và đề bạt những người ưu tú xuất thân từ các thành phần xã hội khác. Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh bản chất giai cấp công nhân của Đảng làm chi mọi đảng viên du xuất thân cho đúng để suy nghĩ và hành động theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Nhưng Người cũng luôn luôn nhắc nhở toàn Đảng về sự thống nhất lợi ích của Đảng và của dân tộc. Trong lời khai mạc lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, Người đã chỉ rõ “Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

Thực tiễn lịch sử của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế đã chỉ rõ, đã là Đảng Cộng sản thì Đảng nào cũng phải coi trọng việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản ra đời và hoạt động ở một nước mà kinh tế còn kém phát triển, giai cấp công nhân hiện đại còn ít như ở Việt Nam thì việc không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng lại càng quan trọng. Trong mọi giai đoạn và mọi thời kỳ cách mạng, bản chất công nhân, sự vững mạnh của Đảng cũng phải được thể hiện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Về đường lối chính trị. Người coi Đảng là đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân và khi đã trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng đồng thời là đội tiên phong chính trị của cả dân tộc.

Đường lối chính trị là vấn đề cốt tử đầu tiên quyết định vận mệnh của Đảng và cả vận mệnh của dân tộc. Hồ Chí Minh đã xác định cho Đảng ta một đường lối chính trị đúng đắn; làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong Cương lĩnh đầu tiên, Người viết “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội Cộng sản”

Nhờ đường lối chính trị đúng đắn của Hồ Chí Minh ngay từ đầu, Đảng ta đã đoàn kết các giai cấp, tầng lớp cách mạng, các lực lượng yêu nước trên cơ sở liên minh công nông. Đó là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp Đảng ta nắm được độc quyền lãnh đạo. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của quần chúng lao động nên đã nhanh chóng phát động được cao trào trong những năm 1930-1931 và đã định hướng đúng cho sự phát triển của các thời kỳ lịch sử tiếp theo.

Trung thành và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta qua mọi giai đoạn và mọi thời kỳ cách mạng đều coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để xác định được đường lối đúng, Đảng luôn luôn coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức đồng thời xuất phát đầy đủ từ thực tiễn Việt Nam để vận dụng sáng tạo trên tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới ở nước ta bắt nguồn từ đường lối đổi mới đúng đắn, có nguyên tắc của Đảng ta. Bí quyết thành công đầu tiên của Đảng ta là không ngừng nâng cao trình độ lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, bám sát thực tiễn để bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối theo mục tiêu con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ khi bắt đầu thành lập Đảng cho đến khi từ giã cuộc đời, khi hoạt động bí mật cũng như khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đều đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tổng kết lịch sử Đảng và toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã dành phần quan trọng nói về truyền thống đoàn kết của Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quí báu của Đảng ta và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình”

Đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự đoàn kết có nguyên tắc trên cơ sở mục tiêu lý tưởng của Đảng, trên nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ. Đây là sự đoàn kết để tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Đồng thời đây cũng là sự đoàn kết có lý, có tình. Trong Di chúc, không phải ngẫu nhiên mà Người đã nhấn mạnh đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Suốt cả cuộc đời Người đã hành động như vậy. Người là trung tâm của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nhân dân ta ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của Người: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công.

Những lời căn dặn của Người trong Di chúc còn có giá trị lâu dài đối với mọi thế hệ: Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Từ khi thành lập Đảng cho đến khi qua đời Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và như Người đã viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Người đòi hỏi cán bộ nào cũng phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, giữa “hồng” và “chuyên” không được xem nhẹ mặt nào nhưng luôn luôn phải lấy đức làm gốc, người cán bộ phải vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, phải lời nói đi đôi với việc làm. Vì vậy, cán bộ phải hiểu biết lý luận cách mạng và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

Cán bộ không phải tự nhiên mà có. Đảng và Nhà nước phải có chính sách cán bộ đúng để lựa chọn đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, sử dụng, đối xử đúng với cán bộ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Người đã nhấn mạnh “phải chú ý mấy việc dưới đây: Hiểu biết cán bộ; khéo dùng cán bộ; cất nhắc cán bộ; thương yêu cán bộ; phê bình cán bộ”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là một nguồn tài sản vô giá của Đảng ta và của cả dân tộc ta, đã soi sáng và chỉ đạo Đảng ta vượt qua muôn vàn thử thách hơn 77 năm qua, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Tư tưởng của Người về Đảng tiếp tục là bó đuốc soi đường cho Đảng ta trưởng thành, phát huy được thời cơ, khắc phục được nguy cơ trong thời kỳ mới, để đưa nước ta phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh

  • Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản