Ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội, Cục Nhà trường kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến sự hình thành, phát triển của hệ thống các trường và công tác NTQĐ. Tính đến năm 1975, Cục Nhà trường đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định thành lập, đổi tên, nâng cấp, đưa tổng số trường trên cả hai miền Nam-Bắc lên 38 trường sĩ quan, trung cấp kỹ thuật, quân chính và 23 trường quân sự tỉnh, thành phố; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các trường cử hàng nghìn cán bộ, giáo viên chủ chốt và bàn giao hàng vạn cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các chiến trường tham gia chỉ huy chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

tu hao truyen thong anh hung xay dung co quan tham muu chien luoc ve cong tac nha truong vung manh
Sinh viên Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội giao lưu với học sinh Trường THPT Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (tháng 3-2018). Ảnh: DUY ĐÔNG.

Trong 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ mái trường quân đội, hơn 272.000 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hàng chục nghìn sĩ quan tốt nghiệp ra trường đã lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu ở các chiến trường gian khổ, ác liệt. Nhiều đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ, sĩ quan từ nhà trường ra chiến trường đã được tôi luyện, trở thành những tướng lĩnh quân đội xuất sắc, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, uyên thâm trình độ và sau này là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Bên cạnh đó, Cục Nhà trường kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các trường tham gia nghiên cứu, nghiệm thu 145 sáng kiến, đề tài khoa học, 598 tài liệu, giáo trình, với hơn 10.000 cuốn; đồng thời tăng cường hợp tác với Đoàn cố vấn quân sự Liên Xô giúp Quân đội ta về giáo dục-đào tạo (GD&ĐT); chỉ đạo các trường huấn luyện, đào tạo hàng nghìn cán bộ trung cao cấp, cán bộ hậu cần, kỹ thuật giúp Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia...

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cục Nhà trường tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác GD&ĐT phù hợp với nhiệm vụ quân đội từng giai đoạn; xây dựng và phát triển hệ thống NTQĐ ngày càng lớn mạnh về quy mô, trình độ đào tạo, bậc học; chất lượng GD&ĐT không ngừng được nâng lên, từng bước hòa nhập với nền giáo dục quốc dân và hội nhập quốc tế. Từ năm 1976 đến nay, các NTQĐ đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 700.000 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho Quân đội ta và quân đội các nước anh em; bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho hàng nghìn cán bộ trong hệ thống chính trị, hàng triệu lượt học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những chiến công, thành tích xuất sắc trong suốt chặng đường 63 năm qua, Cục Nhà trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu như: Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Ba; Huân chương Ít-xa-la của Nhà nước Lào, Huân chương Hữu nghị Thập Ba Đân của Chính phủ Vương quốc Campuchia...

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các thế lực thù địch vẫn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng và GD&ĐT. Tình hình trên đặt ra cho công tác GD&ĐT trong quân đội những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới. Phát huy truyền thống anh hùng, Cục Nhà trường tiếp tục thực hiện xây dựng Đảng bộ đoàn kết, trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện. Đẩy mạnh việc học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, quân đội về nhiệm vụ GD&ĐT và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các bộ, ngành để đề xuất, tham mưu đúng, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu về công tác NTQĐ./.