Theo chính sách mới, Mỹ mức áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Hiện chỉ có Canada, Mehico và Australia nhận được quyền miễn trừ trong kế hoạch này.

Sau khi Mỹ mở cánh cửa cho danh sách các nước miễn trừ, Braxin, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đã xếp hàng đàm phán với Mỹ để nhận được quyền đặc biệt này. Trong tuần qua, Nhật Bản và các nước EU đã tích cực đàm phán với Mỹ nhưng không đạt được bước đột phá cụ thể. EU khẳng định, là một đồng minh quan trọng của Mỹ, nước này cần nhận được quyền miễn trừ đặc biệt này.

truoc suc ep my buoc phai noi long qui dinh chinh sach thue moi
Mỹ buộc phải nới lỏng qui định chính sách thuế mới (Ảnh minh họa: KT)

“Chúng tôi chia sẻ lo ngại về nguồn cung trong lĩnh vực thép của Mỹ nhưng đây không phải là cách đúng đắn để đối phó với vấn đề này. Và chắc chắn châu Âu là một người bạn, đồng minh của Mỹ, chúng tôi hợp tác cùng nhau và không thể là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ. Vì vậy châu Âu cần phải được quyền miễn trừ trong chính sách mới”, ông Cecilia Malmstrom, Cao Ủy thương mại EU nhấn mạnh.

Dự kiến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU tiếp tục trong tuần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua nêu ra điều kiện miễn các mức thuế nhôm và thép nhập khẩu mới đối với Liên minh châu Âu, nếu khối này dỡ bỏ những hàng rào thương mại của họ đối với sản phẩm của Mỹ.

Hàng năm, lượng thép xuất khẩu của EU sang Mỹ đạt khoảng 5 tỉ đôla Mỹ, trong khi con số này của mặt hàng nhôm là hơn 1 tỉ đôla Mỹ. Theo ước tính của Uỷ ban châu Âu, kế hoạch áp thuế mới của Mỹ có thể khiến EU thiệt hại khoảng 3 tỉ 440 triệu đôla Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, EU có thể phải nhượng bộ để bảo vệ giá trị xuất khẩu của mặt hàng thép và nhôm tới Mỹ .Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục lập trường cứng rắn và EU buộc phải sử dụng kế hoạch B đó là trả đũa khi đó hậu quả sẽ rất lớn. EU trước đó cảnh báo sẵn sàng trả đũa bằng việc đánh thuế mọi mặt hàng của Mỹ, từ thép đến bơ lạc, nước cam, nam việt quất, rượu ngô và quần bò.

Không chỉ là với EU, kế hoạch mới của Mỹ cũng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, với nhiều doanh nghiệp trong nước đang kêu gọi chính phủ phải đưa ra các biện pháp trả đũa.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn hôm qua khẳng định, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và nếu chiến tranh xảy ra sẽ mang lại những hậu quả không lường trước được: “Không có ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Điều này sẽ chỉ mang đến thảm họa đối với Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới. Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại và chúng tôi sẽ không bao giờ thúc đẩy một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi có thể đối mặt với bất cứ thách thức nào và bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của đất nước và người dân”.

Không chỉ đối mặt với sức ép quốc tế, chính sách áp thuế mới của Mỹ cũng vấp phải sự chỉ trích trong nước. Một số Thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua cho rằng, kế hoạch đánh thuế mới nhập khẩu của Mỹ sẽ đưa nước này đi theo định hướng sai lầm. Nhiều quan chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại kế hoạch có thể gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ đồng minh quan trọng của Mỹ./.