trung quoc vuot qua my ve so luong ve tinh dinh vi gps

Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo 2 vệ tinh định vị Bắc Đẩu 3 rời bệ phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 15/10/2018. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo Đài Sputnik, xét về số lượng, hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc đã vượt qua hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và Trung Quốc không có ý định ngừng phát triển hệ thống này.

Theo ghi nhận của báo Nikkei Asian Review, điều này có thể thay đổi thị trường công nghệ, và theo quan ngại của một số chuyên gia tại Mỹ, điều này trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ở các nước đang sử dụng hệ thống định vị.

Với GPS, Mỹ từ lâu đã giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực định vị vệ tinh. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu đẩy mạnh phát triển theo hướng này trong thời gian gần đây.

Năm 2000, Trung Quốc mới phóng vệ tinh dẫn đường đầu tiên. Theo phân tích của Nikkei, hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.

Chỉ riêng năm 2018, Bắc Kinh đã phóng khoảng 18 vệ tinh cho dự án này. Đến cuối tháng 6, chỉ có 35 vệ tinh hoạt động trong hệ thống Bắc Đẩu, trong khi GPS có 31, châu Âu có 22 và Nga có 24 vệ tinh.

Theo một thống kê hồi tháng 6 vừa qua, tại 130 quốc gia trong số 195, các vệ tinh Trung Quốc được nhìn thấy thường xuyên hơn GPS.

Đồng thời, Bắc Kinh sử dụng sáng kiến “Vành đai và Con đường” để quảng bá cho Bắc Đẩu, vì hầu hết các vệ tinh của nó được quan sát thấy tại các nước tham gia sáng kiến này.

Quân đội Pakistan sử dụng các vệ tinh Trung Quốc, và vào tháng 4 Tunisia đã thử nghiệm máy kéo không người lái tích hợp hệ thống định vị Bắc Đẩu.

Nhìn chung, hơn 30 quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và các khu vực khác sử dụng hệ thống định vị của Trung Quốc. Ngoài ra, vệ tinh của Bắc Đẩu xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng nhiều.

Giáo sư Nobuaki Kubo của Đại học công nghệ và nghiên cứu hàng hải Tokyo cho rằng trong một vài năm nữa, Bắc Đẩu sẽ “không kém chính xác so với các hệ thống vệ tinh của các nền kinh tế phát triển.”

Sự phổ biến ngày càng tăng của Bắc Đẩu trên toàn thế giới, theo Niekkei, gây ra mối quan ngại trong giới tinh hoa chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.

Không giống như GPS, chỉ có thể gửi tín hiệu, hệ thống của Trung Quốc còn có khả năng nhận được chúng.

Có nghĩa là, ví dụ, khi sử dụng định vị Bắc Đẩu trên xe hơi, thông tin về vị trí của chiếc xe trên lý thuyết có thể được truyền trở lại vệ tinh./.

(Vietnam+)