trung quoc cao buoc anh can thiep van de hong kong

Người biểu tình trên đường phố Hong Kong ném trả đạn hơi cay về phía cảnh sát chống bạo động ngày 12/8. Ảnh: AP.

"Trung Quốc nghiêm túc yêu cầu Anh ngay lập tức dừng mọi hành động can thiệp vào vấn đề Hong Kong cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong tuyên bố trên mạng ngày 10/8.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 9/8 điện đàm với lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam, nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc "điều tra hoàn toàn độc lập về các sự kiện gần đây". Động thái của London đã gây ra phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.

Bà Hoa khẳng định việc Ngoại trưởng Raab gọi điện cho bà Lam là "hoàn toàn sai lầm" và đề nghị Anh ngừng "khuấy động rắc rối" tại Hong Kong. Chính phủ Anh chưa có bình luận về thông tin này. Hong Kong từng thuộc quyền kiểm soát của Anh, nhưng được trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997.

Theo Luật cơ bản Hong Kong, chính quyền đặc khu được chính phủ trung ương ở Bắc Kinh ủy quyền tự mình thực hiện các hoạt động đối ngoại.

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không can thiệp công việc nội bộ sau khi xuất hiện một số thông tin về cuộc gặp của các nhà ngoại giao Mỹ tại Hong Kong với những nhà hoạt động dân chủ của đặc khu. Bắc Kinh kêu gọi Washington "lập tức cắt đứt quan hệ với những kẻ bạo loạn chống Trung Quốc" và "ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong".

Căng thẳng đang gia tăng ở Hong Kong sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần qua nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Bất chấp bà Lam tuyên bố "dự luật đã chết", người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và đưa ra các yêu sách với chính quyền Hong Kong như rút hoàn toàn dự luật dẫn độ và khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu.

Tuần trước, Trương Hiểu Minh, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, tuyên bố các cuộc biểu tình ở Hong Kong trong hai tháng gần đây mang biểu hiện rõ rệt của một cuộc "cách mạng màu", thuật ngữ được dùng để chỉ phong trào nổi dậy ở Đông Âu vào những năm 2000, đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng không thể được giải quyết bằng cách nhượng bộ trước yêu sách của người biểu tình.

Bắc Kinh ngày 8/8 cũng khẳng định nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền Hong Kong, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn.