Nhà Trắng ngày 13/12 cho rằng hiện tại không phải là thời điểm đàm phán với Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ cho biết Washington đã sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Bình Nhưỡng.

trump tillerson lai venh nhau ve trieu tien nguy co tinh toan sai
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/Getty.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12/12 cho biết Mỹ đang “sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên bất cứ khi nào Triều Tiên muốn nói chuyện” và sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên mà “không có điều kiện tiên quyết nào”.

Không rõ tuyên bố trên của ông Tillerson được đưa ra có sự chấp thuận từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – người cho đến nay vẫn phản đối mọi nỗ lực đàm phán với Triều Tiên hay không.

Yonhap dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: "Do Triều Tiên vừa thử tên lửa, bây giờ rõ ràng không phải thời điểm (dành cho đàm phán-ND)".

“Chính sách của chính quyền Bình Nhưỡng không thay đổi. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi luôn mở khả năng đối thoại với Triều Tiên nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, người phát ngôn này cho biết.

Theo quan chức này, Mỹ chỉ đàm phán với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng "về cơ bản cải thiện hành vi của họ".

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày nhắc lại quan điểm này và nói rằng họ cũng có chung quan điểm với Nhà Trắng.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert trong một cuộc họp báo thường kỳ nói rằng: “Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không tạo ra một chính sách mới. Chính sách của chúng tôi chính xác vẫn không thay đổi. Chúng tôi vẫn mở cánh cửa đối thoại khi Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán với thái độ đáng tin cậy về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

Đàm phán chỉ là “bánh vẽ”?

Bản thân các nhà phân tích của Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng lời đề nghị đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên có thể mang lại một cuộc đàm phán thực sự, đặc biệt sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Bình Nhưỡng.

Con đường mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mở ra có lẽ không phải con đường mà Tổng thống thống Mỹ Donald Trump hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng bước vào, đặc biệt là ở thời điểm này vì những tính toán chính trị của riêng họ.

Jung Pak, cựu quan chức CIA và hiện là Chủ tịch của Viện Brookings tại Hàn Quốc nhận định: “Tôi không lạc quan về khả năng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên sớm được tổ chức. Tôi không hề thấy bất kỳ động thái nào từ Bình Nhưỡng cho thấy rằng chế độ của ông Kim Jong-un đang quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này, ngay cả khi đối thoại có thể bắt đầu.

Ở chiều ngược lại, Washington khó có thể thay đổi yêu cầu họ đã đưa ra về việc Bình Nhưỡng phải đảm bảo phi hạt nhân hóa “đáng tin cậy và không thể đảo ngược”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra hôm 12/12 được giải thích rộng rãi như là sự khởi đầu từ những yêu cầu của Mỹ rằng Triều Tiên trước hết phải ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời chứng minh được sự chân thành đối với việc phi hạt nhân hóa.

Trước đó, hôm 29/11, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 – loại tên lửa mới được chính quyền Bình Nhưỡng mô tả là có khả năng tấn công mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ.

Động thái này của Triều Tiên giống như “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng nối lại đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Hy vọng này mới chỉ được nhen nhóm sau khi 75 ngày Triều Tiên không có bất kỳ hành động khiêu khích nào. Trước đó, các quan chức Mỹ từng nói rằng, nếu Bình Nhưỡng tạm dừng khiêu khích trong khoảng thời gian 60 ngày, điều đó sẽ gửi đi thông điệp về sự quan tâm đến các cuộc đàm phán.

Chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ Frank Aum nói: "Tôi nghĩ rằng những nhận xét của Bộ trưởng Tillerson có thể hữu ích vì nó làm rõ một chuyện rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Bắc Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết”.

Nguy cơ tính toán sai

Ông Frank Aum, người có nhiều bài viết đáng chú ý cho trang mạng 38 North của Mỹ chuyên theo dõi vấn đề Triều Tiên nhận định: “Tuyên bố công khai này cũng sẽ đưa Mỹ lên tầm cao mới và đưa ‘quả bóng’ trở lại phần sân của Triều Tiên, giờ trách nhiệm của Bình Nhưỡng là chấp nhận hay từ chối lời đề nghị”.

Nhà Trắng thì khác, thông điệp ngắn gọn từ Washington dường như phần nào làm suy yếu tín hiệu được Ngoại trưởng Tillerson phát đi. Theo ông Aum, thậm chí động thái này còn ảnh hưởng xấu đến vị thế của nhà ngoại giao hàng đầu đất nước.

“Tôi nghi ngờ rằng Tổng thống Trump có thể cảm thấy ‘ghen tị’ với bất kỳ ai nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn ông ấy”, Robert Manning - một thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương giải thích.

Chính sách hiện tại của Mỹ gây “áp lực tối đa” thông qua các biện pháp trừng phạt và cô lập ngoại giao có thể sẽ tiếp tục, nhưng chiến thuật áp dụng có thể trở nên linh hoạt hơn.

Bà Jung Pak quan tâm nhiều hơn đến “những thông điệp xung đột nhau” từ chính quyền Tổng thống Trump.

“Điều đó làm suy yếu uy tín của Mỹ và phát sinh những tính toán sai lầm, có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn”, bà Pak cảnh báo./.