Tại một số địa phương ở ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng..., nhiều nông dân trồng mía đang lao đao vì giá thấp và khó bán. Cụ thể, ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có hơn 4.000 ha mía, dù nhiều ruộng mía đã quá ngày thu hoạch khá lâu nhưng nông dân chỉ mới tiêu thụ được khoảng 50% diện tích.

trong mia lo nang nong dan dbscl o at pha bo de chuyen huong san xuat
Mía khô như củi, đợi gần chục ngày mà vẫn chưa đến lượt nhà máy thu mua.

Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay nông dân trong huyện mới bán được hơn 3.000 ha trong số 6.300 ha mía nguyên liệu. Tình hình thu hoạch mía rất chậm do thương lái và nhà máy ít thu mua, dù giá rớt thê thảm.

Bà Nguyễn Thị Ánh ở ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện nay ruộng mía nhà bà thương lái mua với giá 300 đồng/kg, mỗi công bán được 3 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư mỗi công là 7 triệu đồng. Đó là chưa kể năm nay, nhà máy "đánh tạp chất" với chỉ số rất cao. Bình quân 100 tấn thì có 3,5 tấn bị đánh tạp chất coi như bỏ.

Còn bà Kiên Thị Xê ở ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, vừa thu hoạch xong 5 công mía, than thở: Tui không có vốn, đi vay đại lý bỏ tiền vào đầu tư giống, phân bón… đến kỳ thu hoạch, họ thu lại cả vốn lẫn lãi. Nếu tính hết các khoản chi phí mỗi công mía lỗ gần 1 nửa.

"Năm nay mía rẻ quá, vốn hết 9 triệu đồng nhưng thu hoạch được có 4 triệu đồng/công. Người mua khó kiếm, người đốn cũng không có...", bà Xê chia sẻ.

trong mia lo nang nong dan dbscl o at pha bo de chuyen huong san xuat
Nhiều hộ thu hoạch mía mòn mỏi chờ tới lượt nhập lò.

Giá mía tại Trà Vinh giảm sâu một phần do nhà máy đường Trà Vinh chậm đưa vào hoạt động hơn 3 tháng, trong khi nhà máy trừ mía tạp chất lên đến 3,5% so với 1,7% trước đây. Không những vậy dây chuyền sản xuất, bốc dỡ thì ì ạch, có ghe mía đợi bốc lên nhà máy hàng chục ngày, từ đó dẫn đến mía bị ùn ứ, chữ đường sụt giảm.

Nhiều nông dân tính toán, vụ mía năm nay nông dân đầu tư chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/ha nhưng do giá mía thấp, tiêu thụ chậm… khiến nông dân trồng mía bị lỗ bình quân từ 10-20 triệu đồng/ha.

Các nhà máy đường ở ĐBSCL cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mía tiêu thụ chậm như hiện nay là do giá đường cát trên thị trường quá thấp.

trong mia lo nang nong dan dbscl o at pha bo de chuyen huong san xuat
Nhiều hộ bỏ mặc ruộng mía, đi làm thuê xứ khác.

Theo Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), giá đường cát trên thị trường hiện sụt giảm xuống mức 11.600- 12.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Đường cát sản xuất ra nhưng không bán được, lượng đường tồn kho ở các nhà máy ngày càng tăng nên các nhà máy không dám mua nhiều mía. Một số doanh nghiệp mía đường cũng cho biết, đường Thái Lan nhập lậu ào ạt qua biên giới là một trong những nguyên nhân kéo giá đường nội địa sụt giảm và khó bán.

Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho hay, hiện mía trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 2.000 ha, chiếm 50% diện tích xuống giống. Dự kiến đến tháng 6 mới thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, khi mùa mưa tới, mía sẽ mọc cây non, chất lượng tiếp tục giảm.

Trước những khốn khó của ngành mía đường, hiện nay, nhiều hộ nông dân ở Trà Vinh và một số tỉnh ĐBSCL ồ ạt phá bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác./.