trieu tien co the sup do neu khong tu bo vu khi hat nhan

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: AP)

Ngày 11/8, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Paul Keating, một trong những nhà tư tưởng chính sách đối ngoại được tôn trọng nhất ở Australia và một người ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại độc lập, đã nói rằng: “Chúng ta nên coi Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân đầy đủ và có khả năng - một quốc gia, trong tương lai, cần phải bị kiềm chế, theo cách phương Tây từng làm với Liên bang Xô viết trong cuộc Chiến tranh Lạnh.”

Ông cho rằng việc phổ biến vũ khí hạt nhân là xấu và nguy hiểm, đặc biệt khi nó nằm trong tay của những chế độ ngoại lai như Triều Tiên. Và thế giới đã biết điều này từ thời điểm Dự án Manhattan thành công vào năm 1945. Do đó, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, theo một nghĩa nào đó, có thể là lời bào chữa cho sự tồn vong của quốc gia này, Kim Jong-Un và các tướng lĩnh của ông ta sẽ không bao giờ phục tùng phương Tây về mặt chính trị.

Ngoài ra, cựu thủ tướng Paul Keating phản đối những ngôn ngữ “khiêu khích” và phương pháp tiếp cận “nguy hiểm” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với chế độ Triều Tiên. Ông cho rằng sau cuộc tấn công vô cớ của phương Tây ở Iraq và lật đổ chế độ Gaddafi ở Libya, Triều Tiên có lẽ sẽ không bao giờ ngưng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình, bất chấp những đe dọa và biện pháp trừng phạt từ phương Tây và thậm chí từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Keating không đồng ý với cựu thủ tướng Kevin Rudd và Tony Abbott cho rằng Australia nên theo đuổi một hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Ông nói: “Chúng ta không thể biết liệu một hệ thống phòng thủ tên lửa có làm việc hiệu quả hay không cho đến khi có tổn thất về sinh mạng. Chính sách quốc phòng và đối ngoại thông minh là phải ưu tiên phòng thủ - chứ không phải là vị trí mặc định dựa trên phần cứng đắt tiền mà chưa hẳn đã hoàn hảo"./.