Hãng tin AFP dẫn tuyên bố hôm 10/8 của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc nói rằng: "Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nên làm những gì có ích cho tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên vì hòa bình và ổn định, không phải bằng cách ca mãi điệp khúc trừng phạt để làm hài lòng quốc gia nào đó”.

trieu tien chi trich tong thu ky lien hop quoc hua theo my
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nhà Trắng

Trước đó, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo hôm 8/8 để thảo luận về các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Tổng Thư ký Guterres nói rằng, Bình Nhưỡng "có thể là thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế bằng việc hoàn toàn phi hạt nhân hóa theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Phái đoàn Triều Tiên mô tả đó là "bình luận khinh suất", "hùa theo Mỹ" của ông Guterres và Bình Nhưỡng "ngạc nhiên" khi nghe điều này vào thời điểm "cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều và tuyên bố chung ở Singapore".

Hồi tháng hai, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là "tay sai cho Mỹ" sau khi ông nói các lệnh trừng phạt là cần thiết nhằm gây sức ép khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra tuyên bố chung, cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, tuyên bố không nêu thời gian biểu và các bước cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc tuần trước báo cáo Triều Tiên vẫn đang thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc duy trì sức ép để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân bằng cách tuân thủ đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận rằng, các lệnh cấm vận phải được duy trì đầy đủ cho đến khi Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm ngoái đã thông qua ba vòng trừng phạt kinh tế nặng nề với Triều Tiên sau khi nước này liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Các biện pháp tập trung vào những lĩnh vực kinh tế huyết mạch nhằm mục tiêu cắt đứt nguồn doanh thu mà Triều Tiên sử dụng để phát triển vũ khí./.