trien vong lac quan xuat khau tiep tuc tang toc nhung thang cuoi nam

Sau 9 tháng, xuất khẩu vượt 194 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bức tranh xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Chỉ sau 9 tháng, thặng dư thương mại hàng hóa duy trì ở mức cao. Cùng với đó các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sản xuất, tăng tốc cho mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Xuất siêu gần 6 tỷ USD

Nhớ lại thời điểm Tổng Cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã cảnh báo dấu hiệu nhập siêu, dù chỉ ở mức 34 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, cùng với nhiều chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và sự vào cuộc của doanh nghiệp, xuất khẩu đã có nhiều kết quả tích cực.

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết quý 3, kim ngạch xuất khẩu đã đạt con số 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm.

Đây là mức tăng trưởng khá cao khi trước đó số liệu đưa ra trong 3 tháng chỉ tăng 5,3%, 6 tháng là 7,2%.

Cùng với đà tăng của xuất khẩu, cán cân thương mại hàng hóa sau 9 tháng cũng thặng dư lớn, mức xuất siêu đạt gần 6 tỷ USD. Điều này càng được ghi nhận trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang tiếp tục khó khăn, thậm chí suy giảm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 60 tỷ USD, tăng 16,4% và tăng cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ở mức 5%).

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Sau 9 tháng, cả nước đã có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

- Cán cân thương mại trong 9 tháng:

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá sau khi hiệp định được đi vào thực thi thì về cơ bản các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP đều có chuyển biến tích cực, trong đó tăng mạnh ở các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.

Bên cạnh đó, về giá trị xuất khẩu tại nhiều thị trường cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đơn cử xuất khẩu sang Canada tăng khoảng 33%, sang Mexico tăng khoảng gần 24%.

Triển vọng tích cực

Cùng với những kết quả đạt được trong quý 3, nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tích cực đối với nền kinh tế trong nước.

Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 4/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo nhiều kết quả tích cực sau 9 tháng với nhiều chỉ tiêu tăng cao so với kế hoạch đề ra.

Theo đó, tăng trưởng GDP đạt mức tăng cao nhất cùng kỳ trong 9 năm qua, trong khi lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua và đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, nhất là khu vực ngoài nhà nước.

Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý 3 với mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Không những vậy, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều dự báo khả quan đối với kinh tế Việt Nam. Đơn cử ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% năm 2020, trong khi Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam lên 6,9%, so với mức 6,7% được đưa ra trước đó.

trien vong lac quan xuat khau tiep tuc tang toc nhung thang cuoi nam

Nhiều hoạt động Xúc tiến thương mại được tổ chức để thúc đẩy tiêu thụ hàng trong nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, từ phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng đưa ra nhiều tín hiệu tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu. Cụ thể, theo ông Phan Văn Chinh, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.

Hơn nữa, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất.

Trong khi đó, đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định... dự báo cũng sẽ tiếp tục được khởi sắc cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Dù vậy, để tạo đà cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp khơi thông thị trường, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Cùng với đó là thay đổi một cách căn bản hơn công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng thị trường Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có buổi hội đàm, tiếp xúc với các tỉnh lận cận của nước bạn để xem xét bổ sung một số cửa khẩu cho phép nhập khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam.

Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị phía bạn hỗ trợ thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu biên giới đất liền vào dịp cao điểm, đồng thời mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có thế mạnh như măng cụt, chanh leo, bưởi da xanh, na… đây là một trong những giải pháp giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hiệu quả cao và bền vững hơn trong thời gian tới.

Kết quả này đã và đang góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm nay là tăng trưởng xuất khẩu cả năm từ 7-8%, đồng thời đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đây cũng là điểm nhấn mà phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngày 4/10, đó là năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

“Điều đáng nói tăng trưởng không chỉ tốt về số lượng mà chất lượng cũng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặt biệt lạm phát kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)