trien khai nhiem vu xay dung nong thon moi giai doan 2016 2020
Toàn cảnh hội nghị

Năm 2016, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc chuyển biến mạnh mẽ. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo có trọng điểm và có nhiều cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn 851.000 tỷ đồng; nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt.

Tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã vào khoảng 5,9% so với cuối năm 2015, dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn; còn 300 xã dưới 5 tiêu chí giảm 26 xã so với đầu năm 2016.

Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015.

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn quốc phấn đấu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%). Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tính đến nay, đã có 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 5 xã so với kế hoạch. Năm 2016, tỉnh phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn, đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với 40 xã đã được công nhận trong giai đoạn 2011 - 2015; các xã còn lại tăng thêm từ 2 tiêu chí trở lên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu có 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng 3 xã “nông thôn mới điển hình” trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 phấn đấu đạt 36 triệu đồng/năm.

Hội nghị cũng đã công bố Quyết định số1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những mặt còn hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là: Một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến Chương trình; chất lượng cuộc sống người dân chưa được cao; môi trường tự nhiên còn nhiều bất cập; việc đánh giá, công nhận các tiêu chí còn chưa nghiêm túc...Khẳng định “Muốn công cuộc công nghiệp hóa thành công thì phải xây dựng nông thôn mới thành công”, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh và kiên trì thực hiện có hiệu quả Chương trình, coi đây là cuộc cách mạng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải gắn với đô thị hóa; nông thôn mới phải gắn với khát vọng khởi nghiệp, tăng cường tập huấn kiến thức khoa học cho người nông dân, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm; đẩy mạnh thương mại điện tử, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và sản suất đi đôi với tiêu thụ...

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”./.