Sự cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng DBĐV

Pháp lệnh về lực lượng DBĐV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 27-8-1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-1996. Sau hơn 20 năm thực hiện pháp lệnh, cả nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng LLVT nói chung và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, qua tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng DBĐV trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như: Nguồn quân nhân dự bị (QNDB) tuy nhiều nhưng phân bố không đều; việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự của QNDB đạt thấp; sĩ quan dự bị thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế; chất lượng sĩ quan dự bị thấp, chủ yếu là đào tạo từ hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, thời gian đào tạo ngắn, việc đào tạo, bổ túc theo chức vụ chưa làm thường xuyên nên năng lực chỉ huy, huấn luyện, quản lý đơn vị DBĐV còn hạn chế... Ngoài ra, thực tiễn cũng đòi hỏi, huy động lực lượng DBĐV tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; nhưng nội dung này chưa được quy định trong pháp lệnh...

trien khai dong bo xay dung luc luong du bi dong vien vung manh 75626
Khẩu đội cối 100mm Trung đoàn Dự bị động viên 753 tỉnh Phú Thọ thực hành lấy phần tử bắn trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, năm 2019.

Xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Theo Đại tá Hoàng Hải Đăng, Trưởng phòng Động viên, Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu), mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DBĐV trong tình hình mới; xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện pháp luật về lực lượng DBĐV theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về lực lượng DBĐV với các văn bản pháp luật liên quan. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Lực lượng DBĐV bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; điều hành của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng DBĐV; đồng thời bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế...

Luật Lực lượng DBĐV số 53/2019/QH14, gồm 5 chương, 41 điều. Trong đó, chương I là những quy định chung; chương II quy định xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng DBĐV; chương III quy định chế độ, chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chương IV quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chương V là những điều khoản thi hành.

Luật Lực lượng DBĐV đã kế thừa Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, song đã quy định rõ các nội dung, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm cho xây dựng và huy động lực lượng DBĐV; quy định và làm rõ đối tượng lập kế hoạch; hướng dẫn lập kế hoạch; thẩm định và phê chuẩn kế hoạch; điều chỉnh kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính trong xây dựng lực lượng DBĐV tạo cơ sở pháp lý vững chắc để lập kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV được tổ chức trên thực tiễn, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời bình, khôi phục lực lượng thời chiến khi có chiến tranh. Luật cũng làm rõ việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp và cơ quan tham mưu trong lập kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV. Đặc biệt, nội dung của chính sách đã quy định rõ, cụ thể đối tượng lập kế hoạch; hướng dẫn lập kế hoạch; thẩm định và phê chuẩn kế hoạch; điều chỉnh kế hoạch hằng năm trong lập kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV. Luật hóa các quy định hiện hành về huy động lực lượng DBĐV đồng thời, bổ sung một số quy định thực hiện huy động lực lượng DBĐV làm nhiệm vụ khi có thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm; cùng với các quy định cụ thể bảo đảm sự tuân thủ của Hiến pháp năm 2013 về hạn chế quyền con người, quyền công dân...

Để Luật Lực lượng DBĐV năm 2019 nhanh chóng đi vào cuộc sống, cơ quan soạn thảo đang xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Về các nghị định, như: Quy định danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị và việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; huy động lực lượng DBĐV khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; về cơ sở huấn luyện DBĐV cấp tỉnh; chế độ, chính sách đối với xây dựng, huy động lực lượng DBĐV. Các thông tư quy định về thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng DBĐV của đơn vị quân đội; thông báo quyết định, lệnh huy động, tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng DBĐV; quy định hình thức, nội dung, thời gian sinh hoạt của QNDB. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện Luật Lực lượng DBĐV bảo đảm thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả ngay từ khi luật có hiệu lực./.