Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp nhằm tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng; đồng thời thúc đẩy xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Đề án đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp; tiếp tục hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp, nâng cao chất lượng người giám định tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giám định tư pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy chế phối hợp liên ngành trong công tác giám định tư pháp; các giải pháp tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp trong đề án; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực quản lý; đề nghị UBND cấp tỉnh có các giải pháp sử dụng ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định cho Trung tâm Pháp y tại địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giám định tư pháp trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành trong hoạt động giám định tư pháp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc cũng như những thiếu sót trong hoạt động và tổ chức giám định tư pháp, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng về hoạt động và tổ chức giám định tư pháp./.