Sở GD-ĐT TPHCM vừa ban hành những quy định yêu cầu các trường THCS, THPT phải nghiêm túc thực hiện trong năm học mới.

Văn bản của Sở nhấn mạnh đối với việc tổ chức kiểm tra, trường và giáo viên không kiểm tra liên tục, thường xuyên, không tăng số lượng bài kiểm tra quá mức quy định để tránh gây áp lực học tập căng thẳng cho học sinh. Nội dung, mức độ, độ dài của bài kiểm tra cần phù hợp với chương trình học và trình độ của học sinh.

tphcm giao vien khong kiem tra bai lien tuc gay ap luc cho hoc sinh

Học sinh TPHCM trong giờ học ở vườn ươm

Các trường cũng cần đa dạng hóa các nội dung và hình thức kiểm tra như tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống, tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh qua các hình thức thuyết trình, thực hành, sản phẩm ứng dụng…

Lâu nay, không ít giáo viên thường gây áp lực cho học sinh trong việc kiểm tra bài vở. Giáo viên liên tục kiểm tra, dùng điểm để "hù dọa" học sinh..., điều này gây căng thẳng, sợ hãi cho học sinh khi đến trường. Chưa kể, học sinh cũng đã từng phản ánh giáo viên dùng việc kiểm tra bài như là một trong những "chiêu" để gây áp lực ép học sinh phải đi học thêm...

Sở cũng yêu cầu các trường sắp xếp, phân bố trình độ học sinh đồng đều giữa các lớp, không tổ chức lớp chọn tập trung học sinh giỏi vào một lớp. Thực hiện đúng kế hoạch dạy học, đảm bảo đủ thời lượng và chuẩn kiến thức kỹ năng, không dạy dồn, dạy trước chương trình hay tăng hoặc giảm tiết chính khóa.

Đối với việc dạy thêm, học thêm trong khuôn viên nhà trường, Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý phải được cơ quan quản lý cấp phép và phải thực hiện đúng quy định nội dung giảng dạy tách biệt với nội dung chính khóa trên cơ sở học sinh tự nguyện tham gia và có quyền lựa chọn lớp học.

Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2018-2019, UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho nhồi nhét.

Đặc biệt, cần chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải; tình trạng nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của học sinh, sinh viên theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học.