Những trận mưa to vào các ngày 26/8 và 11/9 vừa qua, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM ngập lênh láng, khiến hàng chục chuyến bay không thể hạ cánh và phải thay đổi hành trình. Đây không phải lần đầu tiên mà từ gần 1 năm nay, vấn nạn ngập nước tại sân bay vào loại lớn nhất cả nước này càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện các ngành chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động của sân bay.

Trận mưa ngày 26/8 khiến hàng chục chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ nửa tháng sau, sân bay này lại tiếp tục bị ngập. Điều đáng quan ngại là những trận ngập này còn nặng hơn những lần ngập nặng nhất vào năm ngoái.

Hiện nay, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh. Theo công suất thiết kế, đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu hành khách/năm... Chính vì vậy, tình trạng mưa ngập khiến máy bay không thể cất cánh, hạ cánh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động an toàn bay.

tp hcm loay hoay tim giai phap chong ngap san bay tan son nhat

Nước ngập khiến các máy bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: NLĐ)

Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sân bay bị ngập là do các mương thoát nước xung quanh sân bay đang bị ách tắc dòng chảy. Ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, hiện nay, hệ thống thoát nước chính của sân bay có 3 hướng.

Phía Bắc, mương nước thoát ra kênh Hy Vọng rồi đổ vào kênh Tham Lương hoạt động tương đối tốt. Hướng Đông Nam của sân bay có hồ điều tiết trước cửa nhà ga, nước thoát ra kênh Nhật Bản hơi chậm. Phía Tây Nam, nơi đậu máy bay thoát nước qua kênh A41 thì “rất tệ”.

Ông Phạm Vũ Cường nói: “Đường cống thoát nước trong sân bay đi qua Nhà máy A41 của Bộ Quốc phòng đều là cống hộp. Khi đi ra ngoài Nhà máy A41 qua đường Thăng Long, Phan Thúc Duyệt ra đến đường Cộng Hòa là mương hở. Sau đó, ra đến đường Út Tịch. Ngày xưa kênh Nhiêu Lộc ở đó. Kênh A41 hiện nay đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm”.

Kênh A41 thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất ra kênh Nhiêu Lộc dài chỉ 2km. Hiện nay, nhiều hộ dân ở 2 bên con kênh này xây dựng nhiều phòng cho thuê. Do ý thức kém, nhiều người lợi dụng địa hình khuất sau nhà, đổ rác, xà bần xuống kênh, gây ô nhiễm môi trường và thu hẹp dòng chảy. Một số hộ dân còn lấn chiếm một phần diện tích. Hiện con kênh này rộng từ 5 đến 10m, sâu khoảng 5m. Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống ven kênh, lượng nước mưa đổ ra đây không mạnh, kênh hoàn toàn có thể tiêu thoát nước cho sân bay.

Để giải quyết vấn đề ngập, trước mắt, Trung tâm Chống ngập thành phố ưu tiên xử lý hệ thống thoát nước xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Còn bên trong, lãnh đạo sân bay phải bố trí hệ thống máy bơm để bơm thủ công dồn nước về một chỗ.

Ông Nguyễn Văn Hiến, một người dân sống tại phường 4, quận Tân Bình hơn 30 năm nay cho biết, nếu đổ lỗi cho con kênh A41 là nguyên nhân gây ngập sân bay trong thời gian vừa qua là không thỏa đáng, bởi 2 miệng cống thoát nước từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra kênh A41 là rất ít, kể cả khi đang mưa: “Đáy của con kênh này hiện nay đã nâng lên so với đáy của cống thoát từ trong sân bay ra là rất cao. Vì vậy, khả năng tiêu thoát nước là rất hạn chế. Tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải có giải pháp để bảo vệ an toàn và an ninh hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất”.

tp hcm loay hoay tim giai phap chong ngap san bay tan son nhat

TP HCM đang tìm kiếm giải pháp chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở và Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố đang phối hợp với Ban Giám đốc Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất tìm giải pháp chống ngập tối ưu. Ông Cường cho rằng, việc xây dựng hồ điều tiết trong sân bay cũng là một trong những giải pháp cần tính đến vì không phải tốn chi phí giải phóng mặt bằng và có thể thực hiện được ngay.

Các nhà khoa học thì cho rằng, trong một thời gian dài, ít nhất là một năm nay, chính quyền địa phương, đơn vị chống ngập và Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất phối hợp không tốt trong việc thoát nước cho sân bay. Con kênh A41 phía bên trong khuôn viên sân bay đã được lắp cống hộp. Đoạn nối ra phía bên ngoài có 2 cống thoát nước nhưng miệng cống chỉ còn khoảng không chưa đến 30 cm tính từ miếng cống đến mặt nước. Những cống này đã bị lỗi thời, không thoát được nước cho sân bay sau những trận mưa kéo dài, dẫn đến ngập. Thậm chí, chính quyền địa phương và người dân kế bên sân bay còn không biết ở bên trong bị ngập.

Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 4, quận Tân Bình cho biết: “Tôi đề nghị phía đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp với chính quyền địa phương xem xét phần cống. Chúng ta cần xem lại phía đầu nguồn xem ách tắc từ đâu, để có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề này. Phường cũng tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác xuống dòng kênh mương để đảm bảo cho dòng nước chảy và không gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này”.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện được giao cho nhiều đơn vị khai thác. Mỗi đơn vị khai thác, kinh doanh xây dựng công trình và lắp đặt hệ thống ngầm riêng, dẫn đến sự không đồng bộ của hệ thống thoát nước. Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết ngập cho sân bay là Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất để cùng bàn thảo, quy hoạch lại hệ thống thoát nước và thực hiện một cách bài bản hơn./.