Tại hội nghị bàn về công tác tuyển sinh và tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, đại diện nhiều trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đã bày tỏ tâm tư trước kỳ tuyển sinh năm 2017.

tot nghiep tieu hoc cung duoc hoc nghe

Thầy Hồ Việt Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Thể thao Nguyễn Du.

Thầy Hồ Việt Anh Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Thể thao Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đặt câu hỏi Bộ có quy định học sinh tốt nghiệp THCS học nghề sẽ được miễn giảm học phí. Nhưng với các trường đặc thù về khối ngành văn hóa nghệ thuật, học viên lại là những người tốt nghiệp … tiểu học. Vậy chế độ về học phí sẽ được tính như thế nào? Hơn nữa mô hình lớp học của các trường này lại theo kiểu một thầy một trò, đầu tư cho trang thiết bị học tập tốn kém, chỉ tính đơn giản như 1 cây đàn piano hạng rẻ cũng lên đến cả trăm triệu, nhưng kinh phí đầu tư cho các trường này vẫn chưa “đặc thù”.

“Luật quy định, với các học sinh tốt nghiệp THCS thời gian đào tạo nghề là 2 năm, tốt nghiệp THPT, thời gian đào tạo trung cấp nghề là 1,5 năm. Nhưng đối tượng của chúng tôi là học sinh tiểu học thì thời gian đào tạo là bao lâu? Bằng cấp cho các em là gì? Hiện nay các em học 10-14 năm nhưng vẫn chỉ được bằng trung cấp”, thầy Việt Anh bức xúc.

Vị hiệu trưởng này cho biết, đây không chỉ là khó khăn của riêng Hà Tĩnh mà là vấn đề chưa được giải quyết của tất cả các trường đào tạo ngành Văn hóa, nghệ thuật tại địa phương. Thầy Việt Anh bày tỏ mong muốn có sự liên kết sâu rộng hơn nữa giữa các trường trong cùng khối ngành giữa trung ương và địa phương để đảm bảo quyền lợi cho người học.

Chưa có mã xét tuyển

Đại diện Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, theo thông tư quy định về quy chế tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành, các trường cao đẳng được phép tự chủ trong hoạt động này. Theo đó các trường không phải xây dựng đề án tuyển sinh, mỗi trường tự xây dựng quy chế tuyển sinh riêng cho mình và có thể tuyển sinh quanh năm. Các trường được toàn quyền quyết định hình thức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

tot nghiep tieu hoc cung duoc hoc nghe

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trả lời phỏng vấn phóng viên về vấn đề tuyển sinh của các trường nghề.

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp lại tỏ ra lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 từ ngày1/4 , nhưng hiện tại các trường nghề vẫn đang đợi hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng trường CĐ Dược Hải Dương lo lắng về việc thí sinh bắt đầu tìm kiếm thông tin đăng ký dự tuyển, nhưng hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có động thái gì ngoài việc in cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017”. Theo bà Hương, nhiều thí sinh và Sở Giáo dục và Đào tạo gọi điện phàn nàn về việc thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường cao đẳng nhưng lại không có mã đăng nhập.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết hiện dữ liệu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Cơ quan này sẽ sớm có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chia sẻ dữ liệu và liên thông hai cổng thông tin về tuyển sinh của hai Bộ.

Rộng cửa đại học, hẹp cửa trường nghề

Theo quy chế tuyển sinh mới năm nay, các thí sinh không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Điểm đổi mới này đặt ra không ít thách thức cho các trường nghề hiện nay. Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, việc các trường đại học được lựa chọn nhiều thí sinh sẽ tác động không nhỏ đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

tot nghiep tieu hoc cung duoc hoc nghe

Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội lo lắng về việc tuyển sinh 2017.

Thầy Ngọc thông tin năm nay lượng thí sinh năm nay không đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường CĐ, ĐH trên toàn quốc, do đó việc tuyển sinh lại càng khó khăn hơn. Chưa kể đến rào cản văn hóa người Việt vẫn còn rất nặng về bằng cấp.

Thầy Đồng Văn Ngọc cho rằng đây là giai đoạn thách thức lớn, đòi hỏi các trường phải rất năng động để tìm ra cơ chế vận hành như doanh nghiệp. Nếu còn hoạt động theo kiểu ngồi chờ sinh viên chắc chắn không thể tồn tại.

“Nếu như không gần doanh nghiệp và có trách nhiệm với người học, chắc chắn sẽ là thách thức và khó có lời giải. Chìa khóa để giải được vấn đề này là có trách nhiệm với chính mình, với xã hội và với người học, làm cho người học ra trường có việc làm”, thầy Ngọc nhấn mạnh./.