Phiên luận tội này xem xét việc chính thức bãi nhiệm bà với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách quốc gia và Luật Trách nhiệm Tài chính. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Rousseff đối diện trực tiếp với các nghị sĩ kể từ khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật và bị Quốc hội đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5 vừa qua.

tong thong rousseff brazil chinh thuc dieu tran truoc thuong vien
Bà Rousseff. Ảnh: Telesurtv.net.

Trong bài phát biểu dài 45 phút, bà Rousseff đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm kỷ luật tài chính, đồng thời cho rằng, phiên luận tội của Thượng viện hoàn toàn không có cơ sở và những người buộc tội bà cũng không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy bà có dính líu tới hành vi tham nhũng.

Bà Rousseff khẳng định, việc Thượng viện mở phiên luận tội chỉ là cái cớ để tiến hành đảo chính và âm mưu phế truất bà, đồng nghĩa với hành động phá hoại nền dân chủ: "Nếu không có chứng cứ phạm tội rõ ràng thì bất cứ tiến trình luận tội nào do các nhà lập pháp của Brazil tiến hành là một cuộc tấn công rõ ràng về hiến pháp, vì hiến pháp quy định quá trình luận tội phải dựa trên những cơ sở chứng cứ tội phạm. Quá trình luận tội nhằm loại bỏ tổng thống là một cuộc đảo chính”.

Bà nhấn mạnh, những thành tựu kinh tế và xã hội mà Brazil đạt được trong suốt 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động (PT) và thể chế nhà nước pháp quyền ở Brazil đang bị đe dọa nghiêm trọng với phiên luận tội này. Thừa nhận đã phạm sai lầm trong các chính sách điều hành kinh tế nhưng bà Rousseff khẳng định bà luôn là người trong sạch và tuân thủ luật pháp, bởi vậy bà sẽ không từ bỏ việc bảo vệ nền dân chủ, chân lý, sự thật và quyền lợi của nhân dân.

Phiên luận tội xem xét bãi nhiệm bà Rousseff bắt đầu từ ngày 25/8, dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao Brazil Ricardo Lewandowski. Phiên luận tội diễn ra 9 tháng sau khi Chủ tịch Hạ viện, lúc đó là Eduardo Cunha chính thức yêu cầu đưa bà Rousseff, người của Đảng Lao động ra xét xử với cáo buộc đã "làm đẹp" các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 đúng năm bầu cử và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

Cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập Đảng Lao động cũng có mặt trong phiên điều trần của bà Rousseff. Trước đó, ông da Silva tuyên bố, phiên luận tội là "một sự hổ thẹn của đất nước và là hành vi vi hiến", đồng thời khẳng định bà Rousseff hoàn toàn vô tội. Ông cũng tố cáo những người muốn lên cầm quyền tiến hành đảo chính bởi không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Kể từ khi bị Quốc hội Brazil đình chỉ chức vụ hồi tháng 5 vừa qua, đây là lần đầu tiên bà Rousseff ra điều trần trước Thượng viện. Theo kế hoạch, sau khi nghe bà Rousseff giải trình, trong vòng 48 giờ, 81 thượng nghị sĩ sẽ tiến hành bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có bãi nhiệm nữ Tổng thống Rousseff hay không.

Theo Hiến pháp Brazil, chỉ cần 54 nghị sĩ, tương đương 2/3 số ghế Thượng viện, bỏ phiếu đồng ý, bà Rousseff sẽ chính thức bị phế truất, chấm dứt 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động. Khi đó, Chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Một cuộc khảo sát của báo O Globo hôm 28/8 cho thấy, có 53 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà Rousseff, trong lúc chỉ có 18 người bỏ phiếu ủng hộ, thiếu 10 phiếu cần thiết để bà thoát tội. Mười thượng nghị sĩ còn lại không cho biết sẽ bỏ phiếu thế nào hoặc không được hỏi ý kiến./.