Sau các nước Đông Âu, chiến lược ngoại giao nhằm xốc lại Liên minh châu Âu của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, sẽ được tiếp nối tại Hy Lạp. Tân Tổng thống Pháp sẽ thực hiện chuyến thăm đến quốc gia Nam Âu này trong hai ngày 7 và 8/9.

Đây là chuyến thăm rất được chờ đợi từ cả hai phía Hy Lạp và Pháp. Đối với nước chủ nhà Hy Lạp, sự có mặt của người đứng đầu cường quốc thứ 2 của Liên minh châu Âu là cơ hội để chính phủ nước này đưa ra các tuyên bố có sức nặng hơn về việc Hy Lạp đang thực sự trên con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

tong thong phap den hy lap nham khuech dai tinh than chau au
Tổng thống Pháp Macron. (Ảnh: France24)

Từ hơn 1 năm nay, nền kinh tế Hy Lạp đã ghi nhận các dấu hiệu phục hồi rõ nét. Sau nhiều năm chìm trong suy thoái, năm 2016 Hy Lạp đã bắt đầu tăng trưởng nhẹ trở lại ở mức 0,3% và trong năm 2017, con số này được dự đoán sẽ ở mức từ 1,8 đến 2%.

Nhưng, một trong các vấn đề lớn nhất mà Hy Lạp đang phải đối mặt đó là nước này đang phải gánh mức lãi suất được đánh giá là quá cao từ phía các chủ nợ nên về lâu dài, tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp sẽ khó có thể bứt phá. Chính vì thế, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras rất kỳ vọng vào chuyến thăm của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron nhằm vận động nước Pháp ủng hộ đề xuất của Hy Lạp trong việc xoá nợ, giãn nợ hay giảm lãi suất cho vay.

Kỳ vọng này từ phía Hy Lạp được xây dựng trên thực tế là trong những năm khủng hoảng tồi tệ vừa qua của Hy Lạp, Pháp là một trong những nước có thái độ khá ôn hoà với Hy Lạp, khác hẳn với quan điểm vô cùng cứng rắn từ phía Đức. Chính phủ Pháp thời cựu Tổng thống Francois Hollande luôn nêu quan điểm cần giúp Hy Lạp tìm lại tăng trưởng thay vì chỉ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng một cách ngặt nghèo. Pháp cũng luôn phản đối chuyện loại Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone.

Tuy nhiên, sự chờ đợi vào chuyến thăm này không chỉ đến từ phía Hy Lạp. Phía chính quyền Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron cũng rất coi trọng chuyến đi này, vì các mục đích cả về đối ngoại lẫn đối nội.

Về đối ngoại, chuyến đi đến Hy Lạp là bước đi tiếp theo của ông Macron trong việc xây dựng hình ảnh của mình như là nhà lãnh đạo cách tân hàng đầu của Liên minh châu Âu. Sau chuyến đi thăm các nước Đông Âu cách đây 2 tuần và lên tiếng bảo vệ các giá trị của Liên minh châu Âu trước các hành động được cho là “nổi loạn” của Ba Lan và Hungary, tại Hy Lạp, ông Macron cũng sẽ tiếp tục có các phát biểu theo hướng này.

Theo lịch trình, Tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu tại điện Parthénon trên đồi Pnyx lịch sử. Đây được xem là một quyết định mang đầy tính biểu tượng bơi đồi Pnyx là nơi họp của Nghị viện cổ đại Hy Lạp và được xem như là cái nôi của các tư tưởng dân chủ phương Tây. Lựa chọn này thể hiện rõ ý muốn của ông Macron trong việc khuếch đại các giá trị và tinh thần phương Tây và qua đó xây dựng hình ảnh cá nhân như một thủ lĩnh mới của châu Âu.

Ngoài ra, việc ông Macron mang theo đến Hy Lạp một phái đoàn đông đảo nhiều doanh nghiệp lớn của nước Pháp cũng phát đi thông điệp ngầm với các nước châu Âu khác, nhất là với nước Đức, rằng nước Pháp đã đúng đắn khi ủng hộ Hy Lạp và như chính lời của ông Macron thì Hy Lạp giờ đây là một mảnh đất hứa hẹn với các doanh nghiệp Pháp.

Về mặt đối nội, chuyến đi đến Hy Lạp cũng sẽ giúp ông Macron truyền tải nhiều thông điệp đến người dân Pháp. Trước chuyến đi, ông Macron đã ca ngợi sự hy sinh của người dân Hy Lạp khi phải thực hiện các cải cách vô cùng đau đớn về mặt xã hội để giờ đây đang từng bước ra khỏi khủng hoảng. Đó được xem là lời nhắn đến người dân Pháp rằng muốn tiến lên thì phải chấp nhận các cải cách khắc nghiệt, điều mà chính quyền của ông Macron đang thực hiện tại nước Pháp vào thời điểm này./.

Quang Dũng/VOV-Paris