tong ket 15 nam thuc hien nghi quyet so 48 va nghi quyet so 49 cua bo chinh tri
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: BTN)

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 và hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật.

Việc thực hiện Nghị quyết được tiến hành khá đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo hiệu lực hiệu quả thi hành pháp luật ở địa phương. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng ban hành văn bản ngày càng được nâng cao, bảo đảm đúng quy định. Các văn bản quy phạm pháp luật đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đối với Nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Sau 15 năm, nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp được tăng cường; chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được sắp xếp, củng cố, kiện toàn ngày càng hợp lý, đội ngũ cán bộ tư pháp, hỗ trợ tư pháp được tăng cường về số lượng, được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp đươc đổi mới và duy trì thường xuyên....

Tuy nhiên trong quá trình triển khai 2 Nghị quyết, 1 số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức; hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở 1 vài nơi chậm đổi mới; chưa sát với từng địa bàn, đối tượng; hoạt động giám sát thường xuyên ở 1 số lĩnh vực chưa sâu; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án còn hạn chế;..

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Toản, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên đối với việc thực hiện 2 Nghị quyết, trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết này thời gian tới, đồng chí đề nghị các đại biểu tại Hội nghị phân tích rõ hơn về nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể về chiến lược cải cách tư pháp, nhiệm vụ hoàn thiện văn bản pháp luật, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp và công tác xây dựng đào tạo cán bộ .. Đối với một số ý kiến, kiến nghị của tỉnh, đồng chí đã tiếp thu và sẽ tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nghiên cứu, xem xét có hướng giải quyết thiết thực và phù hợp.

Với tinh thần trách nhiệm, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đã có 7/20 tham luận của các sở, ngành, địa phương và các cơ quan tư pháp trình bày trực tiếp tại Hội nghị, trong đó đề cập cụ thể về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp pháp luật góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ đổi mới phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp thu các ý kiến phát biểu, đồng thời đề nghị các cấp ủy đảng, sở, ngành, địa phương, đặc biệt các cơ quan tư pháp cần khắc phục những hạn chế, khó khăn, tích cực thực hiện các giải pháp cụ thể đã đề ra. Trong đó, quan tâm đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các thiết chế xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật ở địa phương.

Đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ phải chú trọng xây dựng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; kiến nghị với Đảng, Nhà nước và tỉnh những vấn đề trong hệ thống pháp luật không phù hợp với đời sống người dân để bổ sung, hoàn thiện. Quan tâm phổ biến, tuyên truyền pháp luật phải thường xuyên gắn với đặc điểm nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương với các hình thức phong phú, phù hợp;...

Nhân dịp này Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tặng bằng khen cho 19 tập thể và 43 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX.