Sáng 14/1, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xác định mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

tong bi thu moi ban an phai thuc su tam phuc khau phuc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tòa án Nhân dân các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải; chỉ đạo các Tòa án tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án..

Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong nửa đầu nhiệm kỳ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Số vụ án được giải quyết đạt tỷ lệ 95,9%, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm dần qua các năm, năm 2018 là 1,14%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, công tác hướng dẫn, áp dụng luật và phát triển án lệ được đổi mới và tăng cường, qua đó góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn xét xử và đóng góp tích cực vào phát triển khoa học pháp lý…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Toà án Nhân dân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Toà án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2018, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Toà án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế, trong đó đáng chú ý là tỉ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật; đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng và giải quyết chậm.

Đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, Toà án các cấp còn chưa làm rõ trong bản án tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Một số bản án không khả thi, tỉ lệ giải quyết án hành chính không đạt yêu cầu cả về chất lượng, số lượng và thời hạn. Chất lượng giải quyết án dân sự, kinh doanh, thương mại chưa cao. Năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý.

Nhấn mạnh năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các Toà án cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ.

Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó Toà án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Uy tín của Toà án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội.

"Khẳng định điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các Toà án, nhất là đội ngũ thẩm phán. Mỗi bản án phải làm sao để thực sự "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các Toà án là phải nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan. Toà án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng. Kéo dài thời gian xét xử, đặt người dân vào tình trạng pháp lý căng thẳng quá lâu không phải là biểu hiện của một nền tư pháp văn minh".

tong bi thu moi ban an phai thuc su tam phuc khau phuc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Hội nghị

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng ngành, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái.

"Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp "cầm cân nảy mực". Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các thẩm phán thanh liêm, chính trực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các Toà án. Các đồng chí cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, thẩm phán; làm cho mỗi cán bộ, thẩm phán phải thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng, trước nhân dân", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ, công chức. Làm tốt công tác thi tuyển, nâng ngạch, bổ nhiệm thẩm phán. Chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Toà án các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo Toà án. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng Toà án trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Toà án tiếp tục tham gia xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật bằng việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án luật tư pháp mới, ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử để giải đáp vướng mắc và phát triển án lệ với số lượng nhiều hơn và chất lượng hơn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII, các Toà án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, Toà án phải mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác với các thiết chế xét xử và trọng tài quốc tế để đủ năng lực giải quyết các vụ án, vụ việc xuyên quốc gia; qua đó nâng cao vị thế của Toà án Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhấn mạnh, thành tựu khoa học pháp lý của nhân loại phát triển không ngừng với những nguyên tắc tư pháp tiến bộ, phương thức hoạt động hữu hiệu, thiết chế bộ máy hợp lý…, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án cần chủ động nghiên cứu thấu đáo, đề xuất vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá và truyền thống pháp lý Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng việc Toà án mở rộng thí điểm hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là một hướng đi đúng đắn. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, phải nghiên cứu để tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân theo đúng tinh thần "việc dân sự cốt ở đôi bên".

Nhấn mạnh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển không ngừng mang lại nhiều tiện ích cho con người, tuy nhiên, công nghệ thông tin, một mặt cũng bị tội phạm lợi dụng một cách tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, mặt khác cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mà Toà án phải giải quyết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu nhiệm vụ của Toà án trong tiến trình cải cách tư pháp mới là phải nghiên cứu thấu đáo, sẵn sàng ứng phó với những vấn đề do cuộc sống đặt ra, chuẩn bị cho việc xét xử và giải quyết tốt cả tội phạm phi truyền thống, tranh chấp phi truyền thống và vi phạm phi truyền thống.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các điều kiện và nguồn lực xây dựng hệ thống Toà án trong sạch, vững mạnh; bày tỏ tin tưởng rằng, dù phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức và không ít cám dỗ, đội ngũ cán bộ, thẩm phán Toà án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân./.