Hệ lụy nhiều mặt

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018 ngày 17/7 cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM, một số cảng khác như cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép cũng có tồn đọng phế liệu nhưng không nhiều, số liệu cụ thể như sau:

ton hang nghin container phe lieu do thieu co che phong ngua xa
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Hoàng Văn Thức thông tin về việc tồn hàng nghìn container nhập khẩu phế liệu.

Tại Tân cảng Sài Gòn: Theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các Cảng do Tổng Công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, cụ thể:

-Số container lưu bãi dưới 40 ngày là 595 container.

-Số container lưu từ 30 - 90 ngày là 968 container.

-Số container lưu quá 90 ngày là 2.068 container.

Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.

Tại các cảng của TP.Hải Phòng: Theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan TP.Hải Phòng hiện trên địa bàn TP.Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30 - 90 ngày.

Hiện nay, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quan, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Khó giải quyết vì thiếu cơ chế phòng ngừa từ xa?

Bộ TN&MT cho biết, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy.

Việc này dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa và giấy phế liệu.

Trong khi đó, có nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận, có Giấy xác nhận nhưng quá hạn nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, đặc biệt là tại cảng Cát Lái.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có dấu hiệu gian lận thương mại như: Giả mạo Giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển.

Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Vì thế, lực lượng chức nắng luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về….

ton hang nghin container phe lieu do thieu co che phong ngua xa
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Bộ TN&MT cho hay, việc giải quyết phế liệu tồn đọng tại các cảng có sự liên quan đến nhiều Bộ, ngành như: Bộ Công thương, Tài Chính, TN&MT, Giao thông, Công an, Quốc phòng.

Sau khi chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo các Bộ ngành liên quan để bàn các giải pháp xử lý, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm vụ việc và kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, quan trọng nhất là cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mai, Luật Hải quan và Luật Hàng hải.

Đặc biệt chú ý đến việc tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu, rà soát sửa các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuât đối với phế liệu nhập khẩu theo hướng chặt chẽ, đảm bảo phế liệu nhập khẩu là phế liệu sạch./.