Và việc chọn học ngoại ngữ nào với loại hình nào (ngoại ngữ 1 và 2) là do phụ huynh học sinh (HS) tự nguyện đăng ký.

Trong đó, ngoại ngữ 1, HS phổ thông nào cũng phải chọn một trong các loại ngoại ngữ trên làm ngoại ngữ chính để theo xuyên suốt quá trình học và thi cử. Ngoại ngữ 2 dành cho những em nào đã học tốt ngoại ngữ 1 có thể tự chọn một trong những ngoại ngữ trên làm ngoại ngữ 2 để học.

Ngoài tiếng Anh thực hiện ở hầu hết các trường học, một số trường dạy ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 1 và 2) đều là những trường “điểm” của TP hoặc của quận vì có điều kiện tốt về mọi mặt, chất lượng tiếng Anh của HS cao và có nhiều nhu cầu nhất.

Cụ thể:

1. TIẾNG ANH: Gần như đại đa số HS TP học tiếng Anh từ lớp 1 hoặc chậm nhất là từ lớp 3 đến hết lớp 12 với năm loại hình: tăng cường (tám tiết/tuần), đề án 2020 của Bộ GD&ĐT (bốn tiết/tuần), tự chọn (bốn tiết/tuần), Cambridge (tám tiết/tuần) và tiếng Anh tích hợp.

Học loại hình nào là do phụ huynh HS đăng ký ban đầu để các trường tổ chức loại hình đó. Trong đó, tiếng Anh theo đề án 2020 thì các em được học miễn phí. Năm học này, TP cũng cố gắng là năm có 100% HS lớp 1 và 2 được học tiếng Anh.

toan canh viec day 6 ngoai ngu tai tphcm

Một tiết học tiếng Pháp tại Trường THCS Trần Văn Ơn. (Ảnh: Phạm Anh)

2. TIẾNG PHÁP: TP triển khai song ngữ tiếng Pháp từ hơn 25 năm nay. Các em phải học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với hai học bạ song song là tiếng Việt và Pháp. Hiện nay tại TP có năm quận triển khai gồm quận 1, 3, 4, 5 và Tân Bình. Mỗi quận có một trường tiểu học và một trường THCS. Mỗi trường tuyển 1-3 lớp/năm cho lớp 1 và lớp 6.

+ Với tiểu học, HS lớp 1 muốn học phải tự nguyện đăng ký và trải qua kỳ khảo sát đầu vào theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP. Các em học 10 tiết/tuần với bảy tiết tiếng Pháp, ba tiết toán Pháp, ngoài ra các em còn được học thêm hai tiết tiếng Anh. Học phí theo quy định hằng năm của Sở.

Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) được xem là trường triển khai thành công nhất các lớp song ngữ tiếng Pháp. Hiện trường có gần 600 HS với 14 lớp. Các em theo học chỉ đóng thêm 50.000 đồng/tháng tiền học ngoại ngữ. Trường có 11 giáo viên biên chế dạy tiếng Pháp nên việc duy trì và chất lượng dạy học tương đối ổn định.

+ Ở THCS, các trường tuyển HS ở những trường tiểu học có dạy tiếng Pháp dựa vào điểm thi toán, tiếng Việt và tiếng Pháp cuối lớp 5. Các em học hai môn bắt buộc là tiếng Pháp (bảy tiết/tuần), toán bằng tiếng Pháp (hai tiết/tuần) và một môn tự chọn vật lý bằng tiếng Pháp (hai tiết/tuần) hoặc tiếng Anh (hai tiết/tuần). Hết lớp 9, HS phải dự kỳ thi tốt nghiệp THCS theo cấp quốc gia với hai môn tiếng Pháp (120 phút) và toán bằng tiếng Pháp (60 phút).

+ Ở THPT, hiện TP có ba loại hình:

- Song ngữ: THPT Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Marie Curie. Hết lớp 12, HS dự thi tốt nghiệp THPT chương trình song ngữ của Bộ với ba môn: nói tiếng Pháp (15 phút/em), viết tiếng Pháp (150 phút) và toán bằng tiếng Pháp (120 phút).

- Ngoại ngữ 1: THPT Nguyễn Thị Minh Khai và Marie Curie. Trường chọn HS đã trúng tuyển vào lớp 10 và có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Pháp từ 5 trở lên.

- Ngoại ngữ 2: THPT Trần Đại Nghĩa và Phan Đăng Lưu. Trường tuyển trong số HS đã trúng tuyển vào lớp 10 có nguyện vọng học.

3. TIẾNG NHẬT: Đã triển khai tại TP khoảng 15 năm nay với loại hình là ngoại ngữ 1 ở THCS và THPT. Ở THCS có Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) và Võ Trường Toản (quận 1). Các em được miễn học phí ngoại ngữ, lớp 6-7-8 học ba tiết/tuần; lớp 9 học hai tiết/tuần. Trường tuyển những HS đã được vào lớp 6 của trường và tự nguyện đăng ký học.

Hiện THCS Lê Quý Đôn là trường được đánh giá triển khai thành công nhất lớp tiếng Nhật từ hơn 10 năm nay, mỗi năm tuyển mới hai lớp.

Ở THPT có Trường Lê Quý Đôn, Trưng Vương, Marie Curie. Điều kiện là HS đã trúng tuyển vào trường và đã học tiếng Nhật (ngoại ngữ 1) ở THCS, đồng thời có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Nhật từ 5 trở lên.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP, cái khó hiện nay là việc triển khai tiếng Nhật làm ngoại ngữ 1 ở THCS thiếu lộ trình từ tiểu học nên khi lên THCS, HS học hơi khó vì các em theo học tiếng Anh trước đó rồi. Sở cũng đang tính toán để mở rộng tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 ở một số trường trung học hoặc mở rộng ngoại ngữ 1 ở một số trường tiểu học để thuận lợi cho HS hơn. Đây là cơ sở để Bộ đưa tiếng Nhật xuống tiểu học từ năm học này là điều dễ hiểu.

4. TIẾNG ĐỨC: TP triển khai đưa tiếng Đức làm ngoại ngữ 2 từ bốn năm nay, chủ yếu ở THPT. HS cũng tự nguyện đăng ký và thu hút đông HS theo học như Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai...

Chẳng hạn, ở THPT Nguyễn Thượng Hiền, đây là năm thứ ba triển khai dạy tiếng Đức là ngoại ngữ 2. Ban đầu, trường chỉ được mở một lớp với 35 HS nhưng sau khi thông báo thì có đến 170 em đăng ký nên trường phải sàng lọc để chọn 35 em và phải là những em đã học giỏi tiếng Anh. Các em chỉ học ba tiết/tuần với giáo viên nước ngoài và chỉ phải đóng 150.000 đồng/tháng tiền trợ giảng cho giáo viên Việt. Các em đã học rất tốt và hè năm học trước có ba HS của trường đã vượt qua kỳ kiểm tra và được tổ chức nước ngoài cấp học bổng qua Đức du học trong ba tháng hè hoàn toàn miễn phí.

Tiếng Đức (ngoại ngữ 1): Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên TP triển khai ở cấp THCS. Kế hoạch ban đầu là hai trường gồm Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) và THCS Lê Quý Đôn (quận 3) nhưng khi cho phụ huynh HS tự nguyện đăng ký thì chỉ Trường THCS Lê Quý Đôn có số HS đăng ký nhiều nên trường cũng xét chọn để mở một lớp và cũng chọn những em học tốt tiếng Anh để các em còn có đường lùi khi “lỡ” không theo được. Năm đầu, các em được hỗ trợ học miễn phí về giáo viên bản ngữ và tài liệu. Còn Trường THCS Võ Trường Toản chỉ vài HS đăng ký nên phải hủy.

5. TIẾNG TRUNG: TP.HCM đã triển khai từ nhiều năm nay với loại hình “tăng cường tiếng Trung” từ lớp 1 đến lớp 12. Các trường mở lớp này cũng theo đăng ký tự nguyện từ phụ huynh HS, ưu tiên chủ yếu vẫn là con em người Hoa, các trường mở lớp cũng chủ yếu ở địa bàn đông người Hoa sinh sống như quận 4, 5, 11...

Để đảm bảo tính liên thông, quận nào có trường tiểu học dạy tiếng Trung thì sẽ có trường THCS dạy tiếng Trung và TP cũng có các trường THPT như Hùng Vương, Trần Khai Nguyên, Trần Quang Khải và Nam Kỳ Khởi Nghĩa tuyển sinh lớp 10 tăng cường tiếng Trung.

6. TIẾNG HÀN: Năm học 2015-2016, trường THCS đầu tiên đưa tiếng Hàn vào giảng dạy cho HS lớp 6 như ngoại ngữ 2 là Trường Trung học Thực hành Sài Gòn hợp tác với Trung tâm Hàn Quốc học (Sejong, thuộc ĐH Sư phạm TP). HS sẽ tự chọn học nếu có nhu cầu. Và khi vừa thông báo thì có đến 47 em đăng ký nên trường chia làm hai lớp học. Các em này vẫn học tiếng Anh bình thường và thậm chí các em học rất tốt tiếng Anh.

Riêng các trường thuộc Sở GD&ĐT TP, năm học 2016-2017 này, TP bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 trong các trường THCS và THPT. Cụ thể, TP có hơn 500 HS đăng ký theo học tiếng Hàn tại bốn trường gồm: THCS Hoa Lư (quận 9), THCS Bình Thọ (quận Thủ Đức), THPT Thủ Đức và THPT Bùi Thị Xuân.

Còn ở THPT, trước đó cũng có hai trường triển khai tiếng Hàn làm ngoại ngữ tự chọn là THPT Trần Đại Nghĩa và Marie Curie.

Từ năm học 2017-2018 triển khai tiếng Nga và Trung hệ 10 năm

Theo kế hoạch triển khai đề án 2020 giai đoạn 2016-2020, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm - bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam từ năm học 2017-2018. Đầu tiên, việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ hai đến năm lớp mỗi ngoại ngữ tùy thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học.

Từ năm học 2016-2017 Bộ cũng sẽ chuẩn bị triển khai dạy học thí điểm chương trình tiếng Đức như ngoại ngữ 2, để tới năm sau triển khai dạy tiếng Đức từ lớp 6 ở các địa phương đang tiến hành giảng dạy môn này (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng), sau đó lần lượt mở rộng tới các địa phương khác.

Môn tiếng Pháp, tiếp tục củng cố và phát triển bốn chương trình giảng dạy tiếng Pháp: ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên ngữ và song ngữ...

Các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật đã được thí điểm dạy từ lớp 3 ở năm trường tiểu học (như ngoại ngữ 1), tiếng Hàn được thí điểm dạy từ lớp 6 (như ngoại ngữ 2) tại các trường ở Hà Nội và TP.HCM.