Để đánh thắng địch, việc tổ chức và sử dụng lực lượng pháo binh phải hợp lý, linh hoạt, tập trung phù hợp với khả năng chiến đấu. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nghệ thuật "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều" của pháo binh ta. Trong các chiến dịch, Bộ đội Pháo binh đã nghiên cứu và từng bước giải quyết thành công về nghệ thuật tập trung lực lượng để tạo ưu thế sức mạnh hỏa lực pháo binh hơn hẳn địch trên hướng chủ yếu, nhiệm vụ quan trọng và trong các trận đánh then chốt của chiến dịch thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo, tài tình, phù hợp với quy luật "mạnh được, yếu thua". Việc tập trung lực lượng pháo binh đông đảo tạo ra sức mạnh hỏa lực hơn địch trên từng hướng, từng mũi, vào những mục tiêu quan trọng, những trận đánh then chốt mang tính quyết định là biết tập trung lực lượng, phương tiện để tạo ra cái lớn, cái mạnh với một số lượng đông trong tổng thể cái nhỏ, cái ít để thắng một phần trong cái nhiều, cái mạnh của đối phương.

Nhìn lại một số chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến, có thể thấy: Chiến dịch Biên Giới (năm 1950) là chiến dịch lớn đầu tiên ta sử dụng nhiều loại pháo, tập trung đến 54% lực lượng pháo binh của chiến dịch vào trận then chốt ở Đông Khê (49 khẩu), trong khi số pháo binh địch bố trí ở căn cứ Đông Khê chỉ có 4 khẩu, kém ta 12,1 lần. Vì thế, ta đã tạo được sức mạnh hỏa lực hơn hẳn địch, chi viện cho các trung đoàn bộ binh diệt cụm cứ điểm địch ở Đông Khê, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khêu ngòi, buộc địch phải ra ứng cứu giải tỏa, tạo điều kiện cho Đại đoàn 308 đánh trận then chốt quyết định ở Cốc Xá-477, giành thắng lợi trọn vẹn.

to chuc su dung luc luong phao binh sang tao hieu qua
Trận địa pháo của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954)-chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, ta đã tập trung cao nhất số pháo hiện có ngay từ đầu chiến dịch, được 229 khẩu. Để bảo đảm chắc thắng, ta đã tập trung đến 200 khẩu pháo, cối các loại trên hướng chủ yếu của chiến dịch (hướng Mường Thanh), trong khi pháo binh địch ở khu vực này chỉ có 32 khẩu pháo, cối các loại. Do đó, pháo binh ta trên hướng chủ yếu đã chi viện cho bộ binh đột phá tương đối thuận lợi hệ thống phòng ngự của địch để tiêu diệt những tiểu đoàn địch phòng ngự trong những trung tâm đề kháng. Cùng với việc tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu, ta còn tập trung lực lượng hợp lý để tạo sức mạnh hỏa lực vào các trận then chốt, đánh các mục tiêu chủ yếu, quan trọng của địch. Trong các trận then chốt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tạo được ưu thế hơn địch về pháo, cối trực tiếp tiến công trên từng trung tâm đề kháng, cụm cứ điểm từ 3 đến 4 lần. Riêng trận then chốt Him Lam mở đầu chiến dịch, về pháo binh, ta hơn hẳn địch 10 lần. Nhờ tập trung lực lượng lớn, pháo binh ta đã hoàn toàn áp đảo pháo binh địch, làm cho chúng bất ngờ, tê liệt và nhanh chóng bị tiêu diệt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng pháo binh tiếp tục phát triển và giành được thắng lợi to lớn. Điển hình là nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975). So sánh lực lượng pháo binh xe kéo trên toàn chiến dịch, ta chỉ có 94 khẩu, trong khi địch có tới 250 khẩu, gấp ta đến 2,4 lần. Nhưng khi tiến hành chiến dịch, ta đã tập trung ưu thế lực lượng pháo binh vào khu vực trọng điểm, mục tiêu quan trọng của chiến dịch. Trong trận then chốt tiến công vào Buôn Ma Thuột, ta tập trung một số lượng lớn pháo binh, gấp địch đến 1,5 lần. Sau 120 phút pháo bắn chuẩn bị vào các mục tiêu với tổng số 1.793 viên đạn pháo các loại, pháo binh của ta chế áp được các mục tiêu và chi viện kịp thời cho bộ binh, xe tăng nhanh chóng đánh chiếm, làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.

Qua các chiến dịch, trận then chốt tiêu biểu cho thấy, để đánh thắng kẻ địch mạnh hơn ta về số lượng và chất lượng trang bị, Bộ đội Pháo binh đã vận dụng nguyên tắc tập trung lực lượng pháo binh hợp lý, đạt được ưu thế cần thiết về hỏa lực chi viện cho binh chủng hợp thành đánh thắng trong các trận then chốt chiến dịch, mục tiêu chủ yếu và thời cơ quan trọng. Tập trung pháo binh hợp lý còn được thể hiện ở hành động chi viện kịp thời, liên tục, kiên quyết tạo nên những đòn hỏa lực cần thiết, đủ mạnh vào những mục tiêu chủ yếu, trong những thời điểm quan trọng. Tập trung pháo binh cũng luôn đi đôi với các biện pháp sử dụng pháo binh để kìm giữ, kiềm chế, giam chân, buộc địch phải phân tán hỏa lực đối phó... Những bài học quý báu đó vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Pháo binh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.