Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó, sẽ tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35, đồng thời giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Dự thảo Nghị quyết chỉ sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đó là sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ 3 của mỗi nhiệm kỳ.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu tán thành với việc cần nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các nội dung trong Nghị quyết số 35 để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, xem đây như một hình thức đánh giá cán bộ, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 6/6. (Ảnh:ĐT)


Đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh) cơ bản thống nhất về đối tượng lấy phiếu như dự thảo khi vẫn giữ nguyên lấy phiếu đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn.

Theo bà Dân, mức độ tín nhiệm nên quy định theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp thể hiện sự thận trọng trong công tác cán bộ, phù hợp với nước ta. Đây có thể coi là bước kiểm tra lại, để mỗi người biết phấn đấu cho bản thân.

Bà Dân cũng cho rằng, thời điểm lấy phiếu là năm thứ 3 của mỗi nhiệm kỳ là phù hợp để cán bộ có đủ thời gian năng lực, tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, thay thế cán bộ.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cũng hoàn toàn đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH ) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Theo ông Dũng, về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 35 được sự đồng tình cao của cử tri cả nước, và giờ sửa đổi để hoàn thiện hơn. Trong quá trình sửa đổi có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến muốn tăng thêm đối tượng lấy phiếu không thuộc Quốc hội, và HĐND bầu và phê chuẩn nhưng chịu giám sát của HĐND là Giám đốc các Sở, ngành.

"Các cơ quan dân cử chỉ lấy phiếu đối với người mà cơ quan dân cử bầu và phê chuẩn. Về thời hạn lấy phiếu, qua thảo luận thấy rằng lấy một lần trong nhiệm kỳ là được chứ không cần lấy hàng năm. Từ đó cho thấy phương án Nghị quyết 35 sửa đổi đưa ra là đầy đủ" - ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc phân vân khi Hiến pháp quy định về bỏ phiếu tín nhiệm, và giao nhiệm vụ quyền hạn cho Quốc hội. Vậy nội dung lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào đâu của Hiến pháp?. "Vậy lấy phiếu là bước đầu để tiến tới bỏ phiếu. Hay là căn cứ vào chức năng giám sát của Quốc hội. Vậy mục đích lấy phiếu là phải sửa lại” - ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cũng cho rằng, về đối tượng lấy phiếu trong Hiến pháp có nêu Quốc hội có quyền thành lập các cơ quan khác. Vậy các cơ quan này có thể quy định và hoạt động theo Luật nên cũng có thể lấy phiếu tín nhiệm được. Vì vậy cần bổ sung đối tượng lấy phiếu còn có người đứng đầu các cơ quan do Quốc hội thành lập.

Ông Phúc nói: Về Hội đồng nhân dân có thể bổ sung lấy phiếu tín nhiệm giám đốc các sở, ngành. Nếu tín nhiệm thấp thì UBND cắt chức, chứ không phải HĐND cắt chức. Còn bỏ phiếu để bãi nhiệm thì chỉ có những người do Quốc hội bầu phê chuẩn. Mức lấy phiếu nên là "tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp" thay vì "tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp".

Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất là sự nhắc nhở để những người được bầu nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, đại biểu này cũng cho rằng, cần cho họ có thời gian để nắm bắt công việc. Ông dẫn chứng: “Một số Bộ trưởng mới nhậm chức vừa rồi, thực tế ban đầu họ cũng còn khá lúng túng, nhưng đến năm thứ hai, thứ ba họ đã điều hành công việc khá tốt”.

Cũng đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) nêu rõ, không ai vừa nhậm chức một năm đã có thể làm việc hiệu quả ngay được, trừ khi họ đã từng ở cương vị Thứ trưởng lên Bộ trưởng. Phải để họ có ít nhất 2 năm làm việc, đến năm thứ ba mới đánh giá được.

Đai biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) góp ý: về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm thì nên lấy phiếu vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Ông Dân cho rằng, một nhiệm kỳ là 5 năm thì nên lấy phiếu vào năm thứ 2, và cuối năm thứ 4. Tức là một nhiệm kỳ lấy 2 lần để làm cơ sở cho Quốc hội bầu kỳ tới.

Nhìn chung, thảo luận về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ. Các đại biểu cho rằng quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị giữ quy định hiện hành về việc định kỳ lấy phiếu tín nhiệm hàng năm để việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, cũng có đại biểu đề nghị nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong mỗi nhiệm kỳ.

Về hệ quả đối với người được đánh giá tín nhiệm thấp, một số đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; có quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; có hơn 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp (biểu quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm người không được tín nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn người mới). Do đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và thảo luận việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

Ngày mai (7/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN