PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, 27 tỉnh còn lại hiện vẫn đang áp dụng mức giá viện phí chưa tính lương bác sĩ sẽ được điều chỉnh vào quý I, đầu quý II/2017, áp dụng cho người đã có thẻ BHYT.

Với những người bệnh không có thẻ BHYT hiện nay vẫn thực hiện mức giá viện phí ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh BHYT. Theo Bộ Y tế, chính vì mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng chưa có thẻ BHYT còn thấp nên nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT.

tinh vien phi moi voi nguoi chua co the bhyt trong nam 2017
Trong năm 2017, giá viện phí sẽ được áp dụng chung với hai đối tượng có thẻ và không có thẻ BHYT. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, theo Nghị định 16 của Chính phủ thì đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.

Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT.

Lúc này, chi phí y tế khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT là như nhau, chỉ khác về chi trả. Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT). Còn người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền, khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Hiện nay Việt Nam đã có 75.160.311 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 81,3%. Như vậy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã vượt chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2016 là 2,3 (giao chỉ tiêu 79%).