tiep tuc go kho cho doanh nghiep xuat khau gao
Năm 2017, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được dự báo tăng, nhưng ít có khả năng đạt được mức như những năm trước

Liên quan đến việc nhiều DN xuất khẩu gạo “kêu than” lên cấp có thẩm quyền xem xét lại Nghị định 109, trao đổi với báo chí vào sáng 6/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và đưa vào nhiệm vụ của Bộ trong năm 2017 để xây dựng nghị định thay thế Nghị định 109 theo hướng tiếp thu và mở rộng cho DN, đặc biệt là tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thị trường và xem xét để sửa đổi cho đồng bộ.

“Sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế cho việc hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn như hiện nay. Thị trường do người mua quyết định, chứ không phải người bán và cả tình trạng mất cân đối cung-cầu đang buộc chúng ta phải tính toán làm sao giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các DN xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương đã ký báo cáo gửi Chính phủ để đăng ký trong chương trình công tác năm 2017 của Bộ. Trong nội bộ, chúng tôi cũng chỉ đạo để lập ban soạn thảo và tổ biên tập để sửa đổi Nghị định 109”, Bộ trưởng cho biết.

Thực tế, Nghị định 109 được ban hành với kỳ vọng là đưa ngành xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, nâng cao độ đồng đều hạt gạo Việt Nam lên. Tuy nhiên, từ khi ra đời đến nay, nhiều quy định tại Nghị định này đã trở thành “rào cản” đối với không ít DN xuất khẩu gạo.

Điển hình là những điều kiện đi kèm như: DN xuất khẩu phải có kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ; DN muốn xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hay việc kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng là điều chưa thực sự hợp lý…

Nói về những giải pháp cụ thể trong năm 2017 sẽ được Bộ Công Thương thực hiện để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc đầu tiên là rà soát khuôn khổ pháp lý và thể chế để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về điều kiện kinh doanh của DN xuất khẩu gạo, tạo điều kiện cho DN khai thác thị trường và khai thác các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để phục vụ cho việc mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Mặt khác, diễn biến thị trường trong nước và thế giới đang phức tạp và do người mua quyết định, nên cần tập trung nghiên cứu đánh giá thị trường để tìm ra những điểm mạnh cũng như hạn chế của chúng ta trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác và có những định hướng về thị trường tốt hơn.

Việc định hướng các giải pháp thị trường gồm nhiều nội dung, từ khuôn khổ pháp lý trong hợp tác song phương, cho đến việc điều hành trong xuất khẩu gạo, chưa kể đến những giải pháp kỹ thuật. Ví dụ như việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch các vùng canh tác gạo với sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, có biện pháp bảo đảm ổn định về chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nhất là giá thành sản phẩm để phù hợp với tính đặc thù của từng khu vực thị trường.

“Công tác xây dựng thương hiệu sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng trong năm nay để phù hợp với đặc thù từng thị trường và tính đến điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu không có chất lượng chúng ta sẽ không phát triển được thương hiệu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với DN chế biến, DN cung ứng xuất khẩu và hệ thống logistic để hình thành chuỗi sản xuất, phân phối mới thúc đẩy được việc đưa hạt gạo Việt Nam đi xa hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ động điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất gạo nhằm xác định đúng vị trí thế đứng của hạt gạo Việt Nam trên thị trường gạo thế giới. Việc này nhằm mục đích không tạo ra áp lực cho xuất khẩu gạo và dẫn đến việc không bền vững trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2016 là năm khó khăn với các nước xuất khẩu gạo. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2016, các đơn hàng sụt giảm do nguồn cung giảm và nhu cầu thấp từ các thị trường chính.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2016, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,88 triệu tấn gạo và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,9% thị phần. Ghana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 11,1% thị phần.

Năm 2017, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được dự báo tăng, nhưng ít có khả năng đạt được mức như những năm trước.