Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ ngày bếp ăn bổ sung thêm hai đồng chí nuôi quân mới, bữa ăn trở nên “tươi tắn”, đậm đà hơn hẳn. Người đầu tiên chúng tôi gặp là “đầu bếp” La Trung Kiên, quê ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô. Anh Kiên là con của thương binh hạng 1/4 La Văn Loan, bị thương trong kháng chiến chống Mỹ. Trò chuyện với chúng tôi, anh trải lòng: "Bố tôi bị trúng bom ở chiến trường, bị cháy sém toàn thân, liệt cả người, hiện đang được điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công K5 tỉnh Phú Thọ".

tiep them niem tin tu chi thi 97

Anh La Trung Kiên (bên trái) làm việc tại bếp ăn tập thể Ban CHQS huyện Sông Lô.

Bản thân anh Kiên học xong THPT đã đi làm đủ thứ việc, từ phụ xây, bốc vác đến bồi bàn trong các nhà hàng ở Hải Phòng, Hà Nội. Không có việc làm thường xuyên, thu nhập không ổn định khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2012, nhận được thông báo của cán bộ xã và huyện hướng dẫn làm hồ sơ tuyển dụng vào công nhân viên chức quốc phòng phục vụ quân đội lâu dài, anh và gia đình rất phấn khởi. Chỉ sau một thời gian ngắn, quyết định tuyển dụng đã được trao tận tay anh. Nói về sự vui mừng của mình, anh Kiên bảo: Bố tôi là thương binh nặng sống tại trung tâm điều dưỡng, mẹ là nông dân, vợ tôi làm nghề tự do, lại nuôi con nhỏ nên điều kiện kinh tế thiếu thốn trăm bề. Được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tạo cho tôi có công ăn việc làm, đồng lương ổn định; người thân trong gia đình tôi rất cảm kích trước sự quan tâm giúp đỡ, tri ân này.

Hoàn cảnh của gia đình thương binh nặng hạng 1/4 Lê Đức Luân, ở xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô cũng rất khó khăn. Vợ ông ở quê nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng và nuôi 4 người con. Ông Luân bị liệt do vết thương cột sống, mọi sinh hoạt gắn liền với chiếc xe lăn. Ông đang được điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. May mắn đến với gia đình ông khi Chỉ thị 97 của Bộ Quốc phòng được ban hành. Hai người con trai của ông có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ nên được tuyển dụng vào làm công nhân viên chức quốc phòng. Con trai cả là Lê Phú Hà, được tuyển làm nhân viên Ban CHQS huyện Lập Thạch; con trai thứ hai là Lê Trọng Vĩnh được tuyển vào làm nhân viên Ban CHQS huyện Sông Lô. Bà Nguyễn Thị Bích, vợ thương binh nặng Lê Đức Luân xúc động bày tỏ: Lúc các con tôi còn nhỏ, việc chăm sóc đã vô cùng vất vả, thế nhưng đến khi các cháu trưởng thành thì nỗi lo công ăn việc làm luôn đè nặng trong lòng. Nay hai con tôi đã được vào phục vụ trong quân đội, gia đình tôi rất yên tâm, phấn khởi và là sự động viên khích lệ lớn đối với các con, cháu tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Việt Đức, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Thực hiện Chỉ thị 97 của Bộ Quốc phòng, trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng được 5 trường hợp vào làm việc. Các đồng chí được tuyển dụng đều phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ thị 97 thực sự mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", được lãnh đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp và nhân dân đón nhận, đi vào cuộc sống.