Chiến thắng Thanh La (10/3/1945), cuộc nổi dậy đầu tiên, mở đầu cho khởi nghĩa giành chính quyền của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám gắn liền với tên tuổi người chiến sỹ cộng sản kiên trung, Thượng tướng Song Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khương). Dưới góc nhìn các nhà sử học, quân sự, Thượng tướng Song Hào là người có tầm nhìn chiến lược và sáng tạo trong tiến hành cách mạng giành chính quyền.

Những cống hiến của ông đã góp phần tạo ra tiền đề quan trọng để Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam xây dựng Tuyên Quang, Thái Nguyên thành khu căn cứ địa chiến lược vững chắc - “Thủ đô kháng chiến” của quân, dân cả nước trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

thuong tuong song hao nguoi chien si cong san kien trung
Thượng tướng Song Hào (thứ hai từ phải sang).

Hồi ký của Thượng tướng Song Hào ghi rõ, Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ đã họp vào ngày 10/3/1945 và nhận định: Biến động tình hình địch trong khu và các vùng phụ cận cho thấy, có thể Nhật đã đảo chính Pháp, thời cơ đã đến, cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động. Đêm 10/3, lực lượng vũ trang cùng đông đảo quần chúng nhân dân xã Thanh La (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã mau lẹ tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp vũ khí, bằng sắc, triện đồng.

Thanh La được giải phóng nhanh chóng và hoàn toàn ngay trong đêm 10/3/1945. Với Tiến sỹ Dương Minh Huệ, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quyết định của Thượng tướng Song Hào (lúc đó là Bí thư phân khu ủy Nguyễn Huệ) chọn Thanh La làm nơi mở đầu cho khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tiễn và thể hiện tài mưu lược quân sự, sự phân tích, nhận định đúng tình hình.

Tiến sỹ Dương Minh Huệ cho biết: “Quyết định chọn Thanh La là nơi bắt mạch thử xem phong trào như thế nào để quyết định tiến hành khởi nghĩa, mặc dù trong điều kiện vũ khí kỹ thuật lúc đó rất thô sơ nhưng với khí thế cách mạng hừng hực, đồng chí đã quyết định chọn Thanh La là điểm để mở đầu cuộc khởi nghĩa. Khởi nghĩa Thanh La là khởi nghĩa đầu tiên trong Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, với cuộc khởi nghĩa Thanh La đã nhân rộng ra tất cả các khởi nghĩa trong các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ đó là đóng góp lớn nhất của Thượng tướng Song Hào trong cách mạng tháng Tám”.

Từ góc nhìn thực tiễn của người cầm quân, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chính ủy Quân khu 2 cho rằng, có được chiến thắng Thanh La và thắng lợi giành chính quyền ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang…là do Thượng tướng Song Hào đã phát huy trọng trách Bí thư Phân khu ủy, phát huy chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Đảng và quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng từ vận động nhân dân. Sự ra đời của đội cứu quốc quân 3 đã tạo điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng không chỉ ở Sơn Dương (Tuyên Quang) mà còn lan rộng đến Tân Trào, Định Hóa (Thái Nguyên)… tạo nên vùng căn cứ rộng lớn và vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Phân khu Nguyễn Huệ.

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên nói: “Thượng tướng đã vận dụng rất sáng tạo nghệ thuật quân sự với vận động quần chúng nhân dân. Lúc bấy giờ rất khó khăn, Thượng tướng cùng các đồng chí đêm phải xuống bản, ngày ở trên rừng. Ăn uống sinh hoạt cực kỳ gian khổ thế nhưng đi tiếp cận lên nương lên rẫy tiếp cận từng người một. Rồi sử dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc để vận động thuyết phục nhân dân đi theo cách mạng. Vận động thuyết phục, từng bước cảm hóa được đông đảo đồng bào dân tộc để đoàn kết một lòng, sau này tiến hành cách mạng giành chính quyền thành công”.

Tâm đắc với tư tưởng của Thượng tướng Song Hào về đoàn kết quân dân thắm thiết, quân đội từ nhân dân mà ra, Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, đây là một yếu tố quan trọng làm nên thành công trong việc giành, giữ chính quyền. Đại tá Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết: “Đồng chí Song Hào khi đó với tư cách là một trong những người lãnh đạo của Đảng, và trực tiếp phụ trách ở địa phương đã có một chủ trương rất đúng đắn. Đoàn kết chặt chẽ các lực lượng trong toàn dân. Trước hết là đoàn kết trong các tổ chức Đảng và các tổ chức chính quyền, các tổ chức quần chúng và phối kết hợp các lực lượng đó thành các thể thống nhất theo chủ trương chung của Đảng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy khu vực, và trực tiếp có đồng chí Song Hào”.

Sau thắng lợi Thanh La và một loạt thắng lợi giành chính quyền từng phần khác, tháng Tám năm 1945, Thượng tướng Song Hào là người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng và nhân dân hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công và bắt tay ngay vào việc xây dựng, phát triển hệ thống chính quyền cách mạng non trẻ tại đây.

Cuối năm 1945, trên cương vị Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thượng tướng Song Hào tiếp tục có nhiều đóng góp lớn trong đấu tranh chống bọn phản động, tiễu phỉ tại địa phương; đồng thời củng cố, phát triển vững chắc các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, đoàn thể cách mạng và lực lượng vũ trang trên địa bàn ba tỉnh. Thành quả đó đã tạo ra những tiền đề quan trọng để Đảng, Chính phủ xây dựng Tuyên Quang, Thái Nguyên thành khu căn cứ địa chiến lược vững chắc - “Thủ đô kháng chiến” của quân, dân cả nước trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.