Thế gọng kìm từ các đại gia nước ngoài

Hiện tại, trong Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, chỉ có Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Adayroi là những cái tên “thuần Việt”. Còn lại, Lazada - trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam và Shopee (số 3) đang là hai doanh nghiệp 100% thuộc sở hữu nước ngoài. Trong đó, Lazada Việt Nam đang thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), sau khi Alibaba chi hơn 2 tỷ USD lần lượt trong hai năm 2016 và 2017 để sở hữu 83% cổ phần tại Lazada mẹ. Còn Shopee là sản phẩm chủ lực của SEA Ltd (Singapore), tên cũ là Garena, với các mảng kinh doanh chính bao gồm thương mại điện tử, trung gian thanh toán, game online.

Cũng có vốn nước ngoài lớn nhưng ở tỷ lệ “nhỏ” hơn Lazada và Shopee là Tiki.vn với số vốn nước ngoài vừa tăng lên hơn 40% sau khi nhận khoản đầu tư 44 triệu USD từ JD.com. Trong khi đó, Sendo của Tập đoàn FPT đang có 30% cổ phần trong tay các doanh nghiệp Nhật Bản và có 2 thành viên HĐQT người Nhật…..

Nằm ngoài Top 10, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ hơn cũng đang nhận được sự đầu tư khủng lên đến hàng chục triệu USD từ nước ngoài như: Weshop trên danh nghĩa là công ty Peacesoft Việt Nam nhưng hợp tác với Weshop Global Group (Singapore) và Interpark Group (Hàn Quốc), Chototđã đượccông ty Telenor mua toàn bộ 100% cổ phần …

thuong mai dien tu viet cac dai gia dang toan tinh gi

Liên tiếp các cuộc đổ bộ, rót vốn từ các đại gia cho thương mại điện tử Việt Nam.

Dù thị trường luôn sôi động,các ông lớn tỏ ra đầy “phấn khích” với thị trường gần 100 triệu dân nhưng kết quả thu được không hoàn toàn màu hồng.

Cuối tháng 2/2018, SEA, công ty mẹ tại Singapore của trang mua sắm Shopee công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017. Theo đó, đơn vị này ghi nhận mức thua lỗ lên tới 135 triệu USD. Lý do được SEA giải thích là do “chi tiêu tăng mạnh cho quảng cáo, nhằm đẩy mạnh mảng thương mại điện tử mà chủ yếu là trang mua sắm Shopee”.

Thế giới di động, doanh nghiệp đang giữ ngôi “Á quân” thị trường Thương mại điện tử hiện nay, đang có kết quả kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, lợi nhuận mảng điện thoại của Thế giới di động đang giảm dần, còn mảng bách hóa (Điện máy xanh, Bách Hóa xanh, Trần Anh) tiếp tục cần được bơm tiền do vẫn lỗ. Cụ thể, trong quý đầu năm nay, chuỗi Bách Hóa Xanh đã lỗ khoảng 60 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng hiện chỉ đạt 670 triệu đồng/tháng - để hòa vốn, con số này phải là 800 triệu đồng/tháng.

Tiki.vn, doanh nghiệp TMĐT đứng thứ 4 thị trường hiện nay dù đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhưng …. cũng lỗ. Dù mở rộng đơn hàng lên gấp 3-4 lần, tăng từ 100.000 mặt hàng lên 300.000 mặt hàng nhưng Tiki vẫn lỗ lũy kế khoảng 282 tỷ đồng.

Cơ cấu thị trường cho thấy một điểm rõ nét: chỉ những doanh nghiệp nào trường vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhận được vốn khủng từ nước ngoài, mới có thể bám trụ được trong cuộc chiến khốc liệt này. Lãnh đạo một doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ chua chát nói rằng, cuộc chạy đua giành thị phần giữa Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam “đang tạo ra một rào cản quá lớn” cho các đối thủ trong nước.

Nếu như Lazada tạo rào cản bằng việc đầu tư cực nhiều cho các chiến dịch quảng cáo, thu hút người dùng thì Shopee Việt Nam lại trợ giá rất mạnh tay cho dịch vụ hỗ trợ giao nhận và thu phí hộ.

Theo báo cáo tài chính mà SEA nộp lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), trong 3 tháng đầu năm 2018, trung bình một ngày Shopee có 30.000 đơn hàng ở Việt Nam. Cứ mỗi đơn hàng, Shopee Việt Nam hỗ trợ 50.000 đồng phí giao hàng và 30.000 đồng phí thu hộ. Không phải đơn hàng nào cũng đạt điều kiện để được Shopee hỗ trợ, nhưng chỉ cần 50% số đơn hàng nói trên đạt tiêu chuẩn thì chi phí hỗ trợ của Shopee đã lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Rõ ràng, nếu không có nhiều tiền để “đốt” thì các doanh nghiệp thương mại điện tử khác khó lòng mà giữ được chỗ đứng trước sự tấn công vũ bão như vậy. Đó là lý do vì sao Zalora, Nguyễn Kim đã phải bán mình lại cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan, Foodpanda.vn bán lại cho đối thủ Vietnamm.com…

Vì sao vẫn đua nhau rót vốn?

Câu hỏi đặt ra là vì sao các đại gia cả trong và ngoài nước vẫn cứ hối hả đổ tiền vào thị trường thương mại điện tử Việt như vậy, dẫu cho công cuộc “đốt tiền” không hề có dấu hiệu nào là sắp kết thúc?

Thứ nhất, theo một chuyên gia thương mại điện tử phân tích, chuyện thua lỗ thời gian đầu khi đầu tư TMĐT “rất bình thường”. Không một trang TMĐT nào có lãi sau 3, thậm chí 5 năm hoạt động. Bởi để có lãi, TMĐT phải có một dung lượng khách hàng đủ lớn, đạt biên độ lợi nhuận đủ lớn và họ phải xây dựng hàng chục triệu khách hàng trong 5-10 năm. Chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị phần là cuộc chơi tất yếu khi mà thị trường hiện tại toàn những “đại gia” chịu chi. Nguồn đầu tư được tập trung để củng cố hệ sinh thái, từ nền tảng công nghệ, dịch vụ, khách hàng tới nhà bán hàng, thương hiệu… mở rộng mạng lưới kênh phân phối, tăng tốc độ giao hàng….

Amazon, hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay, cũng phải chấp nhận chịu lỗ trong ròng rã nhiều năm. Thậm chí tại thời điểm này, khi mà Amazon đang ở giai đoạn “đỉnh cao”, lợi nhuận của hãng cũng chỉ dừng ở mức 1,6 tỷ trên doanh thu hơn 50 tỷ USD. Và dù có lãi ở Bắc Mỹ, nhưng ở các thị trường toàn cầu, Amazon vẫn thua lỗ tới 622 triệu USD.

thuong mai dien tu viet cac dai gia dang toan tinh gi

Dù tổng lượng hàng hoá tăng gấp 4 lần so với năm trước nhưng năm 2017, Tiki vẫn ghi nhận mức lỗ luỹ kế khoảng 282 tỷ đồng.

Chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG trong Đại hội cổ đông 2018 của công ty này hôm 24/5 cũng cho thấy tầm nhìn tương đồng về thương mại điện tử. Theo ông Minh, ưu tiên hàng đầu và cũng là vấn đề quan trọng nhất đối với thương mại điện tử chính là xây dựng quy mô kinh doanh, và điều này thì Tiki vẫn đang làm tốt, khi tổng giá trị hàng hóa năm 2017 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước.

“Ngay cả những doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ. Grab, Uber cũng lỗ và phải liên tục gọi vốn... tất cả đều nhằm mục đích gây dựng quy mô tập khách hàng giai đoạn đầu”, ông Minh phân tích.

Có lẽ chính vì lý do này mà dù nhìn rõ là các thương hiệu TMĐT hàng đầu đều đang lỗ, nhưng những “tân binh” như Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Aeon Mall của Nhật…. vẫn cứ đổ bộ không chùn bước. Động lực nào đã thôi thúc họ nhảy vào tranh giành miếng bánh tưởng như rất “xương xẩu” này?

Thứ nhất, TMĐT là một “miếng bánh ngọt khổng lồ”. Theo Quỹ Singapore Temasek dự báo, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2025 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD. Hiện thị trường chỉ mới đang trong giai đoạn sơ khai với doanh thu 4 tỷ USD nên sẽ còn dư địa rất lớn cho các ông lớn chia sẻ miếng bánh này. Cùng với đó, với số dân gần 100 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và nhu cầu mua bán trực tuyến đang tăng trưởng cao sẽ là những chỉ dấu để họ đặt niềm tin vào TMĐT.

Thứ hai, cùng với logistics và thanh toán, thương mại điện tử - hệ thống phân phối, bán lẻ chính là những huyết mạch của nền kinh tế. Ai nắm giữ, chi phối được chúng sẽ là “vua không ngai”. Đây chính là yếu tố khiến các “ông lớn” trong và ngoài nước “cố sống, cố chết” nắm thương mại điện tử trong tay. Với các công ty như Lazada hay Shopee, chiến lược của họ vô cùng rõ ràng: xây dựng cả một hệ sinh thái khép kín gồm cả thương mại điện tử, logistics và thanh toán, theo đúng chiến lược “lọt sàng xuống nia”, đặt nền móng vững chắc để họ có thể tiến sang cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…. nếu được cấp phép.

Thứ 3, thương mại điện tử chính là “cánh cửa” rộng lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với Cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm 10 thị trường thành viên, quy mô và nhu cầu tiêu dùng lên đến hơn 600 triệu dân. Muốn mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng, tăng doanh thu lợi nhuận thì TMĐT là con đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất. Rất nhiều tờ báo quốc tế như Bloomberg, Financial Times cũng từng phân tích, sở dĩ Alibaba và Tencent gấp rút rót vốn mua lại các doanh nghiệp Đông Nam Á như vậy cũng là vì đang nhòm ngó thị trường đông đúc, tiềm năng này.

Có thể nhận thấy “cuộc chiến” TMĐT sẽ vẫn còn tiếp diễn và chỉ có những trang TMĐT có tiềm lực kinh tế, chiến lược quản trị tốt, có hệ thống logicstic tốt, nguồn hàng cạnh tranh phong phú…mới “hái được quả ngọt” cuối con đường.