Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan là một “khởi đầu tốt đẹp”. Hai Tổng thống Nga-Mỹ ngày 16/7 đã có cuộc “một-một” chỉ cùng phiên dịch viên trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, 2 phái đoàn Nga-Mỹ có bữa trưa làm việc.

thuong dinh nga my 2 vi tong thong khong the doi lau hon de gap mat
Cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa 2 Tổng thống Nga-Mỹ. Ảnh: AFP/Getty

Hiếm khi một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga và Mỹ diễn mà không bị bủa vây bởi những sóng gió và cuộc gặp hôm 16/7 giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan, cũng không phải là ngoại lệ.

Chỉ vài ngày trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 12 điệp viên quân sự Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn có đủ lý do để tin rằng cuộc gặp Thượng đỉnh là “điều tốt” để hai nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, trong đó có cuộc chiến tại Syria, vấn đề Triều Tiên, việc xóa bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và cả mối quan hệ đang ở mức thấp nhất giữa 2 cường quốc hạt nhân...

2 vị Tổng thống không thể chờ đợi lâu hơn để gặp mặt

Không có gì nghi ngờ khi nói rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra bất chấp nhiều khó khăn bủa vây đơn giản vì ông Putin và ông Trump muốn vậy.

Tổng thống Trump vốn vẫn thích thú với những “hành động ngoạn mục” của mình, ghi tên mình vào các dấu mốc lịch sử với cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên cùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và lần này là cuộc gặp chính thức với Tổng thống Nga Putin. Tất cả các đồng minh hay chính sách ngoại giao truyền thông của Mỹ đều không thể cản trở ông Trump làm điều này.

Trong khi đó, Tổng thống Putin bước vào cuộc thảo luận Thượng đỉnh sau một kỳ World Cup thành công, giúp ông tăng cường sức mạnh của Nga trên trường quốc tế. Hơn thế nữa, trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ, cả thế giới đã chứng kiến những chia rẽ mang tính cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ với NATO, trong đó có chính sách phân cực rõ giữa Mỹ với các đồng minh trong vấn đề Nga.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Putin-Trump tại Helsinki diễn ra bất chấp các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn giữ chính sách cố gắng cô lập Tổng thống Putin trên trường quốc tế. Trong đó, Anh- một đồng minh chủ chốt của Mỹ, cũng đã thể hiện quan ngại khi chứng kiến thái độ thân thiện quá mức của ông Trump với người đồng cấp Nga.

Các cựu Tổng thống Mỹ là Geogre W.Bush và Barack Obama cũng đều nói trên tư cách cá nhân là muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Putin, nhưng thực tế chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Với cách tiếp cận của Tổng thống Trump hướng tới người đồng cấp Nga Putin, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông chủ Nhà Trắng có lẽ đang đánh giá thấp ông chủ Điện Kremlin. Tổng thống Trump đã từng nói rằng cuộc gặp này có lẽ là điểm “dễ dàng hơn” trong chuyến công cán châu Âu của ông.

Dù hai bên đều không đặt kỳ vọng quá lớn song cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ 2 nước đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tại cuộc trò chuyện với báo giới trước khi bước vào phòng thảo luận kín, Tổng thống Putin nói rằng, đã đến lúc Nga và Mỹ tiến hành các cuộc thảo luận quan trọng về mối quan hệ song phương và nhiều vấn đề nóng khác trên thế giới.

Tổng thống Trump cũng cho rằng việc duy trì mối quan hệ "hòa thuận" với Nga là một điều tốt đẹp. Ông Trump tiết lộ sẽ thảo luận mọi vấn đề từ vũ khí hạt nhân, quân sự cho đến quan hệ với Trung Quốc và thương mại trong cuộc gặp riêng với ông Putin.

Mô-típ Thượng đỉnh của Mỹ

Mô-típ gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ giống như cuộc gặp Mỹ-Triều giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng trước. Những ý kiến chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng, Tổng thống Nga Putin có thể đánh giá cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore để tìm lợi thế cho mình tại Helsinki lần này.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng, tại Singapore, ông Trump đã có nhượng bộ lớn với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong đó, Tổng thống Mỹ đã tạm dừng tập trận quân sự với Hàn Quốc mà không đổi lại được gì nhiều, ngoài việc cam kết sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân của ông Kim.

Dư luận tại Washington lo ngại Putin có thể thuyết phục ông Trump trao lại Syria cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, theo một cách sẽ có lợi cho Iran, trong khi ông Trump luôn muốn đưa quân đội từ Syria về nước.

Tại châu Âu, các đồng minh của Mỹ lo ngại ông Trump có thể đồng ý giảm các cuộc tập trận quân sự, trong bối cảnh, Mỹ vẫn đang thúc ép các nước NATO gia tăng đóng góp cho ngân sách quốc phòng và Washington không thể mãi “bao chi” như vậy.

Thượng đỉnh Nga-Mỹ đạt được kết quả hơn mong đợi phe chỉ trích sẽ buộc phải “ngậm miệng”. Tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Nga Putin đánh giá cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ đã diễn ra hết sức thẳng thắn và hữu ích. Song, ông Putin vẫn phải thừa nhận mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Mỹ.

Trước đông đảo báo chí quốc tế, Tổng thống Putin khẳng định "Nga không bao giờ can thiệp bầu cử Mỹ". Đây vốn là một nút thắt lớn trong quan hệ căng thẳng 2 bên thời gian qua.

Với tuyên bố này của người đồng cấp Nga, Tổng thống Trump cũng khẳng định việc nêu cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ trong cuộc gặp này là một “ý tưởng thú vị”.

“Cuộc gặp với Tổng thống Putin đã cải thiện đáng kể quan hệ giữa 2 nước. Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ xuống thấp như hiện nay. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong 4 giờ đồng hồ vừa qua. Tôi thực sự tin là như vậy”, Tổng thống Trump tuyên bố trước báo chí quốc tế./.