Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là bước tiến mới nhất trong quan hệ có phần đang ấm lên giữa hai nước. Điều này được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt trong các nỗ lực khiến Triều Tiên thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này một cách đáng tin cậy.

thuong dinh my trieu tien lan hai loi the khong thuoc ve ong trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng đi dạo trong khuôn viên khách sạn Capella, Singapore, sau khi họp thượng đỉnh hồi tháng 6. Ảnh: AP.

Những tín hiệu lạc quan về sự tương tác thân thiện giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có lịch sử đối đầu, kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được tổ chức tại Singapore hồi tháng 6/2018 cho thấy, cuộc gặp này không phải là vô ích, mặc dù nó chưa mang lại những cam kết mang tính ràng buộc từ cả hai phía. Kể từ sau cuộc gặp đầu tiên, Tổng thống Donald Trump từng thẳng thắn phát biểu rằng ông có mối quan hệ cá nhân rất tốt với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dẫu vậy theo giới quan sát, khi bước vào Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai, cả hai bên sẽ phải chịu sức ép về việc tạo ra những kết quả cụ thể, thiết thực, chứ không đơn thuần là bày tỏ thiện chí.

Rào cản lớn khó vượt qua

Triều Tiên đã thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa và cũng đồng ý cho phép các quan sát viên tiếp cận một bãi thử hạt nhân mà nước này dỡ bỏ vào tháng 5/2018. Tuy nhiên điều cần phải lưu ý là Triều Tiên luôn khẳng định tiến trình phi hạt nhân hóa của nước này phụ thuộc vào các biện pháp tương ứng từ phía Mỹ. Tại Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9/2018 và vào ngày 11/10, trong khuôn khổ cuộc gặp 3 bên với Trung Quốc và Nga, các quan chức cấp cao Triều Tiên đã nhấn mạnh lập trường cho rằng, Mỹ phải bù đắp cho Triều Tiên đối với bất cứ động thái nào mà nước này thực hiện nhằm phi hạt nhân hóa. Phía Trung Quốc và Nga đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần hai sắp tới, vì các lý do thực tiễn và vì giữ thể diện, Triều Tiên sẽ không chấp nhận phi hạt nhân nếu nước này không nhận được sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Sự nhượng bộ này có thể là việc đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ quyết tâm buộc Triều Tiên phải cam kết đưa ra một số bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa và cho rằng, động thái như vậy phải được thực hiện trước khi nới lỏng trừng phạt. Sự đối lập trong quan điểm này là rào cản lớn nhất mà Mỹ và Triều Tiên cần phải vượt qua.

Tại Triều Tiên, uy tín và vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phụ thuộc vào việc liệu ông có thể tạo ra một cuộc sống tốt đẹp cho người dân hay không. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Triều Tiên đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân nước này và giới tinh hoa trông đợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra các cơ hội trao đổi, giao thương với thế giới bên ngoài.

Chiến lược lâu dài của lãnh đạo Kim Jong-un là thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng ông không còn giữ quan điểm duy trì chương trình hạt nhân cho đến khi các lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Hàn Quốc. Nếu ông Kim Jong-un có thể đạt được tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên thì điều đó sẽ mở ra cánh cửa đối thoại về rút toàn bộ 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Hoặc ít nhất, đến thời điểm đó, các cuộc đàm phán sẽ trở nên cụ thể, thiết thực hơn: Tổng thống Donald Trump sẽ phải dùng đến chiến thuật “củ cà rốt”, chẳng hạn như dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt để đối lấy việc Triều Tiên thực thi biện pháp cụ thể về phi hạt nhân hóa.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là bên nhún nhường trước? Liệu hai nhà lãnh đạo có sẵn lòng nhượng bộ để ngăn chặn sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán?

Ông Kim Jong-un có lợi thế hơn

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với những thách thức về chính trị trong nước, trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào tháng 11/2018. Theo các nhà phân tích, ông Donald Trump cần phải thận trọng khi duy trì đối thoại với Triều Tiên. Vì rằng những cuộc tiếp xúc như vậy cho phép ông tự hào về thành công trong chính sách đối ngoại mà chưa một Tổng thống Mỹ nào khác thực hiện được, nhưng có thể tạo ra sự bất mãn trong nội bộ nước Mỹ.

Tổng thống Trump từng đề cập khả năng tổ chức thêm nhiều Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong đó có Hội nghị diễn ra cả ở Mỹ và ở Triều Tiên (theo một số nguồn tin, địa điểm diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới vẫn chưa được thông báo nhưng sẽ không phải là Singapore). Bên cạnh những kỳ vọng, thì Hội nghị lần hai này vẫn cần phải xem xét đến tình huống xấu nhất.

Cách đây hơn một năm, có nhiều tranh cãi nổi lên về khả năng xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên đẩy mạnh việc phát triển chương trình hạt nhân, tiến gần hơn đến mục tiêu tấn công vào lục địa Mỹ. Nhưng nay, tình hình đã khác. Khi trả lời về vấn đề Triều Tiên hồi tuần này, Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Triều Tiên đã không còn tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chúng tôi đã tạo ra những tiến bộ đáng kinh ngạc”. Nhiều người cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể đang phóng đại thành tựu đạt được, nhưng dẫu sao, ông vẫn đúng bởi bất cứ cuộc đàm phán nào, dù chưa mang lại kết quả như mong đợi song vẫn tốt hơn là chiến tranh.

Khác với Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phải lo lắng nhiều về thời gian tại nhiệm hay sự ồn ào của báo chí. Nếu không hài lòng với “các biện pháp tương xứng” mà phía Mỹ đề xuất, ông có thể từ chối, thậm chí đe dọa hủy bỏ các cuộc đàm phán tiếp theo. Các nhà phân tích cho rằng, một khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 diễn ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có lợi thế hơn và Mỹ sẽ phải chịu sức ép từ bỏ một số mục tiêu mà nước này trông đợi. Trong trường hợp hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, thì Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai này có thể là Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump./.