thue bao co dinh tiep tuc giam tai viet nam vi suc ep cua thiet bi di dong

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2018. Ảnh: Bộ TT&TT

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2018 vừa diễn ra ở Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao từ ngày 16/11/2018.

Trước mắt áp dụng cho các thuê bao di động trả sau của ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT, MobiFone. Bộ cho biết, Việt Nam là nước thứ tư triển khai dịch vụ này tại Đông Nam Á (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia).

Cũng trong tháng 11, Bộ TT&TT cũng cho biết đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu VNPT và MobiFone về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp nhằm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời giúp cơ quan nhà nước tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước.

Về các số liệu thống kê thuê bao cố định, di động, băng rộng, số thuê bao cố định tháng 10 vẫn tiếp tục giảm so với các tháng trước, phản ánh xu hướng các hộ gia đình sử dụng điện thoại di động thay cho điện thoại cố định.

Theo số liệu mà Bộ cung cấp, số thuê bao di động tháng 10 giảm so với tháng 9/2018 nhưng vẫn tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2017. Số thuê bao băng rộng di động trong tháng 10 tăng nhẹ so với tháng 9 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Số thuê bao băng rộng cố định tháng 10/2018 tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017. Điều đó thể hiện xu thế thuê bao chuyển dịch sang dịch vụ data.

Tính đến ngày 20/11/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 21% với hơn 11 triệu người sử dụng, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ cho biết các cơ quan phụ trách an toàn thông tin của Bộ đã ghi nhận hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet). Đồng thời ghi nhận 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam (65 cuộc tấn công lừa đảo; 35 cuộc tấn công thay đổi giao diện; 60 cuộc tấn công cài cắm mã độc). Các đơn vị chức năng của Bộ đã cảnh báo khoảng 1.200 lượt cho các cơ quan, đơn vị tại bộ, ngành, địa phương về các điểm yếu, lỗ hổng, nguy cơ an toàn thông tin, tấn công mạng.

Trong lĩnh vực CNTT, đối với ngành Công nghiệp phần mềm, tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT tính đến tháng 11/2018 đạt 4 tỷ USD và 5,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT đạt 3,5 tỷ USD và 4,2 tỷ USD.