Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX về phát triển đô thị hai bên bờ Sông Cầu, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, với tổng mức đầu tư trên 9.811 tỷ đồng (Gọi tắt là Dự án Sông Cầu).

Tuy nhiên, đây là đề xuất dự án thuộc nhóm A, nếu triển khai thực hiện sẽ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư công). Quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tham vấn xin ý kiến của các Bộ, Ngành Trung ương và xác định việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án trên sử dụng nguồn ngân sách Trung ương trong thời gian này là không khả thi.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính khả thi và nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng như chủ động sử dụng nguồn vốn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án Sông Cầu thành Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, gồm 9 dự án nhóm B (thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công), gồm:

- Dự án số 1: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên

- Dự án số 2: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Tả sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên (giải phóng mặt bằng hai bên tuyến đê và xây dựng đê đến cao trình đáy móng đường giao thông)

- Dự án số 3: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê hai bên suối Molinh đoạn qua thành phố Thái Nguyên (giải phóng mặt bằng hai bên tuyến đê và xây dựng đê đến cao trình đáy móng đường giao thông)

- Dự án số 4: Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở hai bên bờ sông và xây dựng 03 bến thuyền tại thượng lưu đập Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống

- Dự án số 5: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu.

- Dự án số 6: Nạo vét mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống.

- Dự án số 7: Xây dựng mở rộng đập thác Huống, nâng cao mực nước đập Thác Huống về mùa kiệt lên 2m so với cao trình cũ, xây dựng đập dâng Quang Vinh.

- Dự án số 8: Xây dựng mới 4 cầu (Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hòa, Huống Thượng) và sửa chữa, nâng cấp cầu Gia Bảy qua Sông Cầu.

- Dự án số 9: Xây dựng mới cầu Bến Oánh qua sông Cầu và cầu Mo Linh qua suối Mo Linh.

Tổng mức đầu tư 9 dự án: 9.811 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP) – Hợp đồng BT. Vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án (bồi thường giải phóng mặt bằng) là 5.611 tỷ đồng trong đó 2811 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án BT, còn lại là vốn để giải phóng mặt bằng dự án đối ứng cho dự án BT.

Khi hoàn thành Đề án sẽ góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng do lũ lụt gây ra hàng năm, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại giai đoạn trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại; góp phần xây dựng thành phố Thái Nguyên thành đô thị loại 1 hoàn chỉnh tương đương với các đô thị lớn trên cả nước.

Sau khi có chủ trương thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc lập hồ sơ đề xuất dự án, phê duyệt đề xuất các dự án; lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện chặt chẽ về trình tự thủ tục, đúng quy định tại Nghị định số 15 ngày 14/2/2015 của Chính phủ và Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 30 ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, UBND tỉnh đã tổ chức sơ tuyển quốc tế, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư của 9 dự án (9 gói thầu) theo đúng trình tự quy định. Theo đó, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 là đơn vị trúng thầu. Nhà đầu tư đã tổ chức thi công thí điểm khoảng trên 200m kè bờ hữu sông Cầu.

Đây là việc cần thiết, việc thi công thí điểm là do nhà đầu tư đề xuất, cám kết chịu hoàn toàn chi phí nếu chất lượng thi công không đạt yêu cầu, không được nghiệm thu theo quy định, đã được tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, quá trình thi công thí điểm, có hạng mục đã hoàn thiện, có hạng mục chưa được hoàn thiện, nhưng phải tạm dừng vì chờ dự án điều chỉnh được phê duyệt. UBND tỉnh đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung này theo cam kết của nhà đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 27/10/2017 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc chuyển Dự án thành Đề án, UBND tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục của Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, thủ tục triển khai ký hợp đồng BT các dự án thuộc Đề án.

Theo đó, ngày 23/7/2018, UBND thành phố Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị ký kết hợp đồng BT với liên danh nhà đầu tư (Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 –T&G và Công ty CP đầu tư phát triển Sông Cầu) đối với 03 dự án thành phần thuộc đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên (gồm: Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên, Dự án Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống; Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu).

Đối với tiến độ thực hiện hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán 3 dự án trên của nhà đầu tư còn chậm so với yêu cầu của tỉnh, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án. Nguyên nhân Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) các dự án vẫn chưa được phê duyệt là do quá trình thực hiện có tác động về quy hoạch phát sinh, như: Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ tỉnh Thái Nguyên, điều chỉnh quy hoạch đê điều tỉnh Thái Nguyên (nâng cấp đê từ đê cấp IV lên đê cấp III cần thống nhất nhiều nội dung về giải pháp kỹ thuật của dự án với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Chính vì vậy, Báo cáo nghiên cứu khả thi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trong quá trình điều chỉnh phải qua nhiều thủ tục, lộ trình nên thời gian bị kéo dài. Về nội dung này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực chỉ đạo sớm hoàn thành theo quy định.