Sáng (23/4) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu với sự tham dự trực tuyến của các địa phương trong cả nước. Nhấn mạnh, chiếm lĩnh thị trường cũng là con đường để Việt Nam cất cánh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào, bộ nào cũng có định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp.

thu tuong tinh nao bo nao cung phai co dinh huong xuat khau
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 câu hỏi lớn để các đại biểu tập trung làm rõ. Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai là có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý, nếu vì tế nhị mà đại biểu không nêu ra sáng kiến tại hội nghị được thì có thể viết thư gửi Bộ trưởng và Thủ tướng. Thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Thứ tư là tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào? Và câu hỏi thứ năm là khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?

Sau khi các bộ, ngành, địa phương có ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng đồng tình về một số quan điểm các đại biểu nêu ra về các vướng mắc trong xuất khẩu hiện nay, trong đó, có vấn đề thể chế pháp luật và thủ tục hành chính.

“Các đồng chí nói phải thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean, giảm thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, và đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý trao đổi chứng từ thương mại. Chúng ta còn làm thủ công quá, giữa người quản lý và người xuất nhập khẩu, cho nên những người này gặp nhau mới sinh ra chuyện tiêu cực phức tạp trong quản lý. Bây giờ container vào bằng thiết bị, phải trang bị theo hướng đó để đo kiểm chứ không phải anh mở container ra, tất nhiên anh có quyền lựa chọn những chuyện nghi ngờ, nhưng hướng như vậy để tạo điều kiện thuận lợi”- Thủ tướng nêu rõ.

thu tuong tinh nao bo nao cung phai co dinh huong xuat khau
Toàn cảnh Hội nghị

Thủ tướng cũng cho rằng, các chi phí vốn, thủ tục, tiền lương, cả chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn” ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa, Thủ tướng đánh giá, chất lượng sản phẩm Việt Nam đảm bảo chất lượng tốt mới xuất khẩu được như hiện nay. Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, đâu đó vẫn có “mấy con sâu làm rầu nồi canh” như vụ cà phê nhuộm than pin. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu tỉnh Đắc Nông điều tra khởi tố nghiêm túc các đối tượng vi phạm.

Từ những câu hỏi Thủ tướng nêu ra và từ những ý kiến các bộ, ngành và địa phương phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục trả lời 5 câu hỏi mà Thủ tướng đã nêu ra, đặc biệt là những câu hỏi này có thể chọn lọc. Theo Thủ tướng, việc trả lời 5 câu hỏi đó cũng là nội dung trong Chỉ thị tới đây nhằm thúc đẩy xuất khẩu trước mắt và lâu dài trên một giải pháp tổng thể chứ không phải chắp vá. Trong đó có nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu sự phát triển để đặt vấn đề đối với sản xuất về mẫu mã, sản lượng. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh nào, bộ nào cũng phải có định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết cùng phát triển, cùng có lợi, có ý tưởng xây dựng vùng chiến lược để có thủ lĩnh sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam có 29 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD.

Cùng với đó là phát huy mọi tiềm năng để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn.

“Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa. Tiềm năng đó có thể tăng lên, thấp nhất là 15-20% trong những năm tới. Đây là bài toán rất cao, và nếu được liên tục trong nhiều năm sẽ góp phần tăng trưởng GDP cho đất nước rất lớn”-Thủ tướng nói.

Cùng với đa dạng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng cũng cho rằng, cần xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ. Các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn và có năng lực thực sự để tham gia kênh phân phối này. Với từng thị trường quan trọng phải có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu riêng biệt. Thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Theo Thủ tướng, các địa phương phải quan tâm chỉ đạo, từ kiểm tra, kiểm soát chất lượng đến địa điểm làm logistics, đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu. Những địa phương có đầu ra là xuất khẩu phải có sự chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại./.