Sáng nay (23/12), tại Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sau 3 năm (2016-2018) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh ước đạt 11%/năm, riêng năm nay tăng trưởng ước đạt trên 15%, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách năm 2018 ước 23.500 tỷ đồng.

thu tuong thanh hoa phai tien len thanh tinh cong nghiep hoa manh me
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc tại Thanh Hóa.

Với việc có nhiều dự án đi vào hoạt động, như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất dầu ăn, 24 dự án may mặc-giầy da, các nhà máy xi măng Long Sơn và Công Thanh..., đã góp phần thúc đẩy công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh. Nhờ đó mà tỉnh đã tạo được gần 200 nghìn việc làm mới, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,8% vào cuối năm nay.

Du lịch của Thanh Hóa cũng là một thế mạnh của ngành dịch vụ với gần 8,3 triệu lượt khách năm 2018, doanh thu trên 10.600 tỷ đồng.

Năm tới, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế rất cao với mức 20% trở lên nhờ động lực quan trọng là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ tán thành với đề nghị của tỉnh Thanh Hóa về hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cảng Nghi Sơn. Thanh Hóa cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thủy sản tương xứng với tiềm năng. Tỉnh cũng cần có biện pháp tăng thu, vì chi ngân sách của tỉnh mỗi năm lên tới 31.000 tỷ, trong khi mới thu năm 2018 mới được khoảng 23.500 tỷ đồng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của “xứ Thanh”, gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc. Xứ Thanh là một miền văn hóa cội nguồn, là “cái nôi” của văn hóa phi vật thể Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, những yếu tố này chính là niềm tự hào của người dân Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng, kể cả Nam ra Bắc và quốc tế của xứ Thanh. Các đồng chí khai thác yếu tố này không. Tôi cho đói là một tiềm lực, tiềm năng rất lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đây phải biết khai thác và hiểu giá trị. Xứ Thanh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều người tài, nhiều anh hùng dân tộc, là quê cha đất tổ của tam vương, nhị chúa.

Phải khơi dậy tinh thần yêu nước trong lớp trẻ, trong Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa để gìn giữ và phát triển. Một Việt Nam thu nhỏ đang ở Thanh Hóa, có cả cảng biển, sân bay, biên giới, hải đảo... Chính vì vậy tôi đề nghị, chúng ta phải xây dựng một Thanh Hóa quật cường, cổ kính với công trình kiến trúc phát triển trong tương lai, một Thanh Hóa tự tin, năng động, hòa nhịp với đất nước”.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thanh Hóa đạt nhiều kết quả ấn tượng và tương đối toàn diện, xu hướng phát triển của Thanh Hóa ngày càng tốt hơn. Trong đó năng lực và quy mô sản xuất tăng mạnh. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất và chuyển dịch cơ cấu lao động.

thu tuong thanh hoa phai tien len thanh tinh cong nghiep hoa manh me
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng.

Thủ tướng đánh giá, nhìn chung Đảng bộ tỉnh đã quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ lớn như xây dựng Đảng; giữ vững an ninh, quốc phòng; triển khai tốt một số dự án lớn, trong đó tỉnh đã phối hợp tốt với các bộ, ngành thực hiện dự án trọng điểm Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; huy động hiệu quả vốn đầu tư FDI và xã hội cho đầu tư phát triển; quan tâm chăm lo đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, Thanh Hóa vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng, chưa thể tự cân đối thu-chi ngân sách; việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật, sự đồng lòng nhất trí còn một số vấn đề.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo: “Nhiệm vụ giải pháp lớn nhất, quan trọng nhất của Thanh Hóa là đoàn kết, thống nhất, vì sự nghiệp của Đảng bộ và của nhân dân Thanh Hóa. Có được sức mạnh này sẽ làm tốt mọi việc. Thanh Hóa phải tiến lên trở thành tỉnh công nghiệp hóa mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Công nghiệp hóa của Việt Nam chúng ta mới chiếm 0,2% của thế giới, thua Trung Quốc hơn 100 lần và thua Thái Lan tới 5 lần. Tức độ sâu tài chính để đầu tư phát triển thì chúng ta còn thấp. Tôi nói điều này để các đồng chí làm nhiều việc hơn, công nghiệp hóa tỉnh này”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hạ tầng quan trọng, kể cả đường sắt, mở cửa bầu trời, nghiên cứu xây dựng đô thị sân bay. Là địa phương có diện tích lớn thứ 3 cả nước, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh quan tâm giữ gìn màu xanh của rừng, nhất là phía Tây Thanh Hóa. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố quyết định là nhân lực, nhất là với tỉnh Thanh Hóa có tới trên 2 triệu lao động.

Nói về tiềm năng phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, Thanh Hóa không chỉ có Nghi Sơn mà còn nhiều thế mạnh khác, trong đó tỉnh cần nghiên cứu phát triển đô thị làm động lực tăng trưởng, định vị phát triển Thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị lớn, hình thành Thành phố Nghi Sơn...

Cho ý kiến về các kiến nghị của tỉnh, về đầu tư giai đoạn 2 Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tổng kho dầu thô trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng phối hợp nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Thủ tướng giao các bộ chức năng phối hợp với tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phương án huy động vốn để đẩy nhanh triển khai tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, có chiều dài 96km.

Về kiến nghị của tỉnh huy động nhà đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân để có công suất 2,5 triệu lượt khách, tránh quá tải, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Thủ tướng xem xét quyết định./.