Bắt đầu chương trình công tác tại Thanh Hóa – vùng đất địa linh nhân kiệt, chiều 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá; thăm một số cơ sở kinh tế tại địa bàn.

Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa.

thu tuong tham mot so di tich va don vi kinh te tai thanh hoa
Thủ tướng thăm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh mang giá trị văn hoá, lịch sử thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hoá mà của cả dân tộc. Lam Kinh là nơi sinh ra vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào thế kỷ XV. Sau 10 năm (từ năm 1418 đến năm 1428) đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long - Hà Nội, đặt tên nước là Đại Việt. Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn ở đất Lam Sơn. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội.

Lam Kinh là nơi an táng 6 vị vua và 2 Hoàng Thái Hậu. Trải qua thời gian biến thiên của lịch sử, hiện nay di tích còn lại 6 khu lăng mộ, có 5 mộ các vua và 1 Hoàng Thái hậu. Mỗi khu lăng mộ có diện tích khoảng 400m2, khu nhà bia khoảng 100m2 có bia và nhà che bia lăng mộ các vua gồm: Lăng mộ vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng mộ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo.

Tiếp đó, trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tại huyện Thọ Xuân.

thu tuong tham mot so di tich va don vi kinh te tai thanh hoa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Cảng hàng không Thọ Xuân.

Với hơn 35 năm phát triển, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn là một trong những đơn vị tiên phong về áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và trồng trọt với đội ngũ kỹ sư và công nhân lao động trên 1.000 người. Một số sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp này có thể kể đến như: Cồn tinh chế dùng để làm nguyên liệu xăng pha cồn; đường vàng tinh khiết có mùi thơm đặc trưng của đường mía của vùng mía Lam Sơn; đường kính trắng; đường tinh luyện...

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng vừa triển khai Dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (Thanh Tam bamboo Ecopark) tại 2 huyện Thọ Xuân và Thường Xuân với tổng diện tích gần 160ha. Dự án nhằm phát triển các giống tre, luồng, các loài cây quý hiếm trong nước và khu vực gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh, qua đó góp phần khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến trên 1.000 tỷ đồng.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã thăm Cảng hàng không Thọ Xuân, một sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý việc nâng cấp cảng hàng không này thành cảng hàng không quốc tế, nâng công suất giai đoạn đến năm 2030 từ 2,5 triệu khách/năm lên 5 triệu khách/năm. Năm 2018, cảng này đã thu hút khoảng 1 triệu lượt khách.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch. Cùng với đó là phát triển các loại hình dịch vụ du lịch của Thanh Hóa, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa thông qua phương tiện thuận tiện là máy bay. Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi một số vấn đề về việc phát triển Cảng hàng không này tại cuộc làm việc ngày mai với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa./.