Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các phe phái đối địch chính ở Palestine đang tìm cách vượt qua những chia rẽ sâu sắc trong một thập kỷ qua.

Tháp tùng ông Hamdallah trong chuyến thăm này là các bộ trưởng và quan chức trong Chính quyền Palestine (PA). Đây được xem như bước đi đáng kể đầu tiên trong quá trình chuyển giao quyền lực tại dải Gaza từ tay phong trào Hồi giáo Hamas sang chính quyền Palestine.

thu tuong palestine tham gaza thuc day hoa giai voi hamas
Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah. (Ảnh: Twitter)

Dự kiến, Thủ tướng Hamdallah có cuộc gặp với thủ lĩnh tối cao phong trào Hamas Ismail Haniya cùng lãnh đạo Hamas tại Gaza Yahya Sinwar, sau đó ông sẽ chủ trì một phiên họp nội các trong ngày 3/10.

“Tôi tới đây với chỉ thị từ chính quyền Palestine để nói với thế giới từ trái tim của Gaza rằng, nhà nước Palestine sẽ không và không thể được thành lập mà không có sự đoàn kết cả về địa lý và chính trị giữa dải Gaza và Bờ Tây” - Thủ tướng Hamdallah nhấn mạnh.

Sau cuộc xung đột bùng phát giữa hai phe vào năm 2007, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi phong trào Fatah đứng đầu chính quyền hoạt động ở Bờ Tây.

Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine đã thất bại.

Kể từ tháng 3/2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian đàm phán hòa giải giữa hai phái Palestine. Thỏa thuận hòa giải do Ai Cập soạn thảo năm 2009 được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5/2011, sau các cuộc biểu tình của người Palestine nhằm khôi phục sự thống nhất giữa các phe phái chính trị Palestine sau nhiều năm xung đột. Tuy nhiên, tiến trình hòa giải không đạt được nhiều đột phá sau đó.

Việc Hamas kiểm soát Gaza đã khiến dải đất này bị phong tỏa, bủa vây cả về kinh tế lẫn ngoại giao, đẩy 2 triệu người dân ở đây vào cuộc sống vô cùng khó khăn. Điều này đã dẫn tới quyết định quan trọng của phong trào Hamas vào giữa tháng 9 vừa qua, tuyên bố sẵn sàng bàn giao khu vực Dải Gaza cho chính phủ đoàn kết của Tổng thống Mahmoud Abbas. Phong trào Hamas cho biết điều này xuất phát từ mong muốn về đoàn kết dân tộc, cũng như đáp lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái Palestine. Phong trào Hồi giáo Hamas cũng đã đề nghị Tổng thống Palestine Abbas cử các quan chức tới Gaza để nối lại việc kiểm soát khu vực dải Gaza do phong trào này quản lý cách đây một thập kỷ.

Theo giới phân tích, xóa bỏ được sự chia rẽ nội bộ sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Palestine Abbas có nhiều lợi thế hơn trong tiến trình đàm phán hòa bình với Israel. Bất chấp những hoài nghi của giới chức Israel về những bước hòa giải của các phe phái Palestine, các nhà quan sát vẫn nhận định, đây là một mục tiêu hoàn toàn khả thi, dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước.

“Sự thống nhất có thể đạt được, nhưng nó cần thời gian và có nhiều trở ngại cần ý chí chính trị của cả phong trào Hamas và Fatah để vượt qua”, nhà phân tích chính trị Palestine Jahad Harb nhận định. “Tình hình hiện nay vốn là do sự chia rẽ khó có thể hóa giải ngay tức thì. Nhưng nếu các phong trào bắt đầu hòa giải với ý định tốt đẹp, thì không gì là không thể. Tuy nhiên sẽ có nhiều trở ngại và nhiều vấn đề cần rất nhiều tiền để khôi phục dải Gaza được như Bờ Tây”.

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Palestine Hamdallah, ngày 1/10, một phái đoàn an ninh cấp cao của Ai Cập cũng đã đến Gaza nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa giải đạt được hồi tháng trước giữa phong trào Fatah của Tổng thống Palestinee Mahmoud Abbas với phong trào Hồi giáo Hamas. Phái đoàn này, trong đó có Đại sứ Ai Cập tại Israel Hazem Khairat và 2 quan chức tình báo cấp cao, đã đến Dải Gaza qua cừa khẩu Erez ở biên giới giữa Dải Gaza và Israel./.

Thùy Linh/VOV-Trung tâm Tin