Sáng nay (21/9), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2018”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và 15.000 đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

thu tuong lam cho van hoa that su la dong luc nen tang tinh than cua xa hoi
Hội nghị tổng kết phong trao toàn dân xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2018

Qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Kết quả đã có hơn 19 triệu gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; đã công nhận hơn 69.000 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; gần 85.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhất là trong bối cảnh nhiều nguy cơ hiện hữu có thể làm mất đi những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Các đại biểu cho rằng, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, từng người, gia đình, làng, xã, đơn vị văn hóa đến môi trường văn hóa và có vai trò kết nối nhiều phong trào, từ xóa đói giảm nghèo, người tốt, việc tốt, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa.

Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Định kỳ hàng năm hầu hết các cấp công đoàn trong toàn quốc đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong công nhân viên chức lao động. Đồng thời, các cấp công đoàn đã tổ chức hàng vạn cuộc nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh cho công nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như: kinh phí thực hiện phong trào không được quy định trong mục chi thường xuyên nên không có kinh phí triển khai; nhiều chủ doanh nghiệp không mặn mà với danh hiệu doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; cán bộ công đoàn cấp cơ sở thường là kiêm nghiệm.

"Đề nghị Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân viên chức lao động, đặc biệt là công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề nghị đưa danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và Luật thi đua, khen thưởng của nhà nước để phong trào được thống nhất trong tổ chức hoạt động như các danh hiệu văn hóa khác của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”- ông Trần Văn Thuật nêu ý kiến.

thu tuong lam cho van hoa that su la dong luc nen tang tinh than cua xa hoi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phan Bá Lữ, Trưởng ban điều hành khu 4, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phong trào đó là việc thực hiện nếp sống văn minh-mỹ quan đô thị trong cộng đồng dân cư. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các khu phố phường Đa Kao, quận 1, hàng năm đều xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh. Đặc biệt khu phố đã có nhiều mô hình sáng tạo mới như mô hình camera an ninh; mô hình “Ô khu vực tự quản an ninh-trật tự đô thị; mô hình số điện thoại liền kề…đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Các mô hình đã góp phần thay đổi ý thức người dân trong ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện với hàng xóm. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh-mỹ quan đô thị.

"Để phát huy kết quả trong thời gian tới chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các hộ dân còn lơ là, thiếu quan tâm trong công tác tự quản, các cơ sở kinh doanh chưa chấp hành quy định pháp luật về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường để người dân hiểu và tích cực tham gia. Phát huy vai trò của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” để đảm bảo xây dựng các danh hiệu văn hóa một cách bền vững”- ông Phan Bá Lữ cho biết.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo phong trào các cấp, các cơ quan thành viên và các cán bộ làm công tác phong trào. Thủ tướng cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng, đồng hành thực hiện hiệu quả thiết thực các nội dung của phong trào.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi thực hiện phong trào như: nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện, nhất là gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công tác phối hợp, triển khai thực hiện phong trào còn thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo ở một số nơi chưa cao, chưa toàn diện; năng lực tổ chức công việc của nhiều cán bộ phong trào còn hạn chế và việc huy động các nguồn lực cho hoạt động của phong trào ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn… Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội. Cùng với đó cần chăm lo bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam đủ tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa.

thu tuong lam cho van hoa that su la dong luc nen tang tinh than cua xa hoi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

“Phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, địa phương, cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Chúng ta cần đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý để xây dựng đời sống văn hóa là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Đây là chủ trương mà các tỉnh, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần phải quán triệt” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đồng thời, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122 mà Chính phủ mới ban hành để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.

“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo kịp thời bổ sung những giải pháp đặc thù trong thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn của mỗi vùng miền”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn.

Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị sẽ đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra một động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng./.