thu tuong khong de xay ra tinh trang khan hiem thuc pham trong dip tet
Chính phủ họp ngày 2-12, Ảnh: VGP

Ngày 2-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11. Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận các biện pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra đạt kết quả tốt nhất, trong bối cảnh đất nước sắp bước sang năm 2020 với dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt heo và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

CPI tháng 11-2019 tăng 3,78% so với tháng 12-2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ USD.

Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế như giá thịt heo tăng do dịch tả heo châu Phi; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới…

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng điểm lại một số sự kiện nổi bật trong tháng 11, trong đó có kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải rà soát lại các tồn tại mà Quốc hội đã chỉ ra để làm tốt hơn nhiệm vụ.

Thủ tướng cho biết, tháng 11 cũng đã diễn ra nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng như tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 35 tại Thái Lan, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc và thăm chính thức Hàn Quốc với những kết quả rất tốt, nhiều văn kiện được ký kết với tổng giá trị gần 20 tỷ USD.

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến phức tạp về thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, biểu hiện rõ là phản ứng nới lỏng chính sách của nhiều nước, trong đó Mỹ đã 3 lần giảm lãi suất.

Trong nước, trước tình hình thế giới khó khăn, tháng 11 và 11 tháng, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã chung sức đồng lòng nỗ lực vượt khó, nền kinh tế chúng ta tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm).

“Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với tôi, nếu năm 2018, người Hàn Quốc chọn Osaka là thành phố đáng sống, đáng đến thì năm nay, người ta chọn Việt Nam, trước hết là Đà Nẵng, Hội An. Nếu chúng ta làm tốt sẽ có làn sóng du lịch mới đến Việt Nam từ các nước Đông Bắc Á”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, còn một số tồn tại cần có giải pháp cụ thể để giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp lưu ý ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá nông sản giảm. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết. Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, TPHCM cần chú ý vấn đề này.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần khơi thông nguồn lực, phải có khát vọng vươn lên. Khát vọng này phải ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân. Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện giải pháp mạnh, đột phá, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.