thu tuong chu tri hoi nghi truc tuyen ve quan ly va bao ve rung
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo, 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 13.700 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 21%. Diện tích rừng bị thiệt hại trên 1.200ha, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2016. Một số trọng điểm phá rừng tập trung tại các tỉnh như: Đắk Nông, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Định, Điện Biên. Cùng với đó, giá trị lâm nghiệp của cả nước ước tính năm 2017 ước đạt 7,7 tỷ USD. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn thu tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, với trên 350.000ha đất tự nhiên, diện tích che phủ hiện nay đạt gần 53%, trong đó diện tích rừng tự nhiên còn trên 76.000ha. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương người dân còn sinh sống trong rừng lõi hoặc liền kề với rừng phòng hộ, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, xoá đói giảm nghèo còn hạn chế, cơ chế hưởng lợi từ rừng chưa đảm bảo cuộc sống cho người dân nên chưa thúc đẩy được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đối với phát triển rừng trồng, cây lâm nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; hạ tầng, đường xá đối với các địa phương có rừng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất làm việc đầu tư khó khăn, chi phí cấu thành cao; nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng cũng còn hạn chế. Khắc phục khó khăn, diện tích rừng trồng mới của tỉnh năm 2017 tiếp tục tăng, đạt gần 7.400ha, tăng trên 18%. Từ việc tăng cường xử lý vi phạm bảo vệ rừng nên số vụ vi phạm từ đầu năm 2017 đã giảm trên 31%, còn gần 270 vụ phát hiện xử lý.

Tại hội nghị, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương cho công tác bảo vệ và phát triển rừng theo các chính sách mới của Nhà nước đã ban hành; ưu tiên hơn cho công tác bảo vệ và phát triển, chống biến đổi khí hậu; bổ sung các chính sách đối với các hộ gia đình và cá nhân được giao đất rừng nhưng chưa được hưởng lợi từ rừng; ban hành và sửa đổi một số bất cập trong quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được thời gian qua của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những vấn đề tồn tại trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu: Các địa phương cần đánh giá đúng thực trạng về công tác quản lý, bảo vệ rừng để từ đó có biện pháp quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng và phát triển rừng, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc sống gần rừng; chấm dứt tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép, tình trạng di dân tự do…/.