Sáng 14/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương tại các đầu cầu.

thu tuong cay go chu co phai cay kim dau ma khong biet
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, hội nghị này nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác này.

Thủ tướng đánh giá, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động; đã xử lý nghiêm một số trường hợp; việc tăng cường quản lý rừng tại một số địa phương đã đạt kết quả đáng mừng. Do đó độ che phủ rừng cả nước năm sau cao hơn năm trước. Năm nay, dự báo diện tức che phủ rừng đạt kế hoạch được Quốc hội giao.

Thủ tướng lưu ý, không thể thấy một số vụ phá rừng và một số địa phương khác gần đây mà đánh giá công tác bảo vệ rừng phần lớn không tốt mà ngược lại, phần lớn nhiều địa phương làm tốt, bên cạnh có một số địa phương và một số vụ việc cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý bảo vệ rừng, một số giải pháp chưa có tính khả thi cao nên vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng rất nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương. Với 60/63 tỉnh thành có rừng, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu cần thẳng thắn đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thảo luận về những khó khăn, vướng mắc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên cách đây hơn một năm và đặc biệt là khi thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư. Trong đó, lưu ý đến một số kiến nghị về việc chấm dứt việc chuyển rừng ven biển, rừng đầu nguồn sang mục đích khác; chấm dứt chuyển rừng đặc dụng thành rừng phòng hộ, rừng sản xuất…

Thủ tướng cũng nhắc lại tình trạng làm thủy điện nhỏ trước đây, quy mô thì nhỏ mà phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại thì chưa được bao nhiêu, đồng thời nhấn mạnh đến việc đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ phát triển rừng.

Có một câu hỏi là chúng ta có hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban rất lớn, nhưng có nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép mà cấp chính quyền địa phương chưa đề cao trách nhiệm. Phải coi việc phá rừng là vi phạm pháp luật cần nghiêm trị. Từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp ủy chính quyền địa phương.

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này. Và phải nói là không có vùng cấm trong xử lý vi phạm” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần thảo luận về giải pháp để giúp nâng cao đời sống người dân sống bằng nghề rừng, qua đó người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng; giải pháp quản lý việc di dân tự do để hạn chế phá rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tính đến năm 2016, cả nước có tổng diện tích có rừng là trên 14,3 triệu ha, tăng gần 316.000 ha so với năm 2015. Trong đó, bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiện hiện có là trên 10,2 triệu ha, tăng trên 66.600 ha. Rừng trồng là trên 4,1 triệu ha. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015.

Về thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, làm thiệt hại 1.257ha rừng. Đến nay đã xử lý hành chính gần 11.000 vụ và xử lý hình sự 263 vụ. Riêng khu vực Tây Nguyên dù số vụ vi phạm giảm nhưng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng 5%, chiếm gần 54% diện tích rừng bị thiệt hại cả nước. Theo đó, diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, hiện có trên 2,5 triệu ha, giảm 3.170ha so với năm 2015./.