Chiến thắng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng Bảo thủ tổ chức trong nội bộ đảng với 200 phiếu thuận và 117 phiếu chống.

Sau khi đảm bảo được tỷ lệ 63% trong tổng số phiếu, Thủ tướng May hiện có thể tiếp tục vai trò lãnh đạo của mình trong 1 năm tới.

thu tuong anh theresa may vuot qua cuoc bo phieu bat tin nhiem
Thủ tướng Anh Theresa May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Downing Street, bà Theresa May khẳng định sẽ thực hiện quá trình Brexit mà "đa số đã bỏ phiếu", đồng thời cho biết bà vẫn sẽ lắng nghe ý kiến của những nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà.

Mặc dù sóng gió của Thủ tướng Anh đã "tạm lắng xuống" nhưng một số nhà phân tích cho rằng mất đi sự ủng hộ của 1/3 nghị sĩ là một "thảm họa" với bà May.

Thủ tướng Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với sự ủng hộ của 63% nghị sĩ đảng Bảo thủ và 37% bỏ phiếu chống lại bà.

Cuộc bỏ phiếu kín này được thực hiện theo yêu cầu của 48 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ, những người bất đồng với chính sách Brexit của Thủ tướng Theresa May khi cho rằng chính sách này đi ngược với kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Biên tập viên Laura Kuenssberg của trang BBC nhận định mức độ phản đối cho thấy "không phải tất cả đều hài lòng" với Thủ tướng Anh và đây là một "cú đánh thực sự" vào chính quyền của bà May.

Phát biểu ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định bà sẽ nỗ lực để tạo ra những thay đổi trong thỏa thuận Brexit tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra ngày 13/12.

"Tôi hài lòng khi nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu tối nay. Dù tôi rất biết ơn những người ủng hộ mình nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể các nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm với tôi và tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ".

Thủ tướng May cũng khẳng định thêm về nhiệm vụ thực hiện thỏa thuận Brexit mà đa số đã bỏ phiếu, đưa mọi người gắn kết với nhau và xây dựng một đất nước thực sự phục vụ người dân Anh".

Đảng Bảo thủ phản ứng như thế nào?

Jacob Rees-Mogg, người đi đầu trong việc kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Anh cho rằng mất đi sự ủng hộ của 1/3 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ là "một kết quả tồi tệ đối với Thủ tướng" và yêu cầu bà từ chức.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Mark Francois, người ủng hộ Brexit nhận định rằng cuộc bỏ phiếu là "một thảm họa" khi hơn một nửa thành viên Nghị viện không phục vụ trong chính phủ không còn ủng hộ Thủ tướng Anh.

"117 là một con số lớn, lớn hơn nhiều so với dự đoán của bất cứ ai. Tôi cho rằng điều này sẽ khiến Thủ tướng tỉnh táo hơn và suy nghĩ cẩn trọng về những điều bà sẽ thực hiện".

Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling thừa nhận có những "bài học" cho Thủ tướng May và đảng Bảo thủ sau kết quả cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội các Damian Green thì cho rằng đây là chiến thắng mang tính "quyết định" với Thủ tướng Anh khi điều này giúp bà May "tiếp tục tiến lên và thực hiện những công việc đang làm".

Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ nhưng Thủ tướng Anh Theresa May vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến “cân não” để thỏa thuận Brexit mà bà đã nhất trí với EU được Nghị viện Anh thông qua trong bối cảnh tất cả các đảng đối lập và ngay cả những người trong chính đảng Bảo thủ cũng đang chống lại bà.

Phe đối lập nói gì?

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn cho rằng cuộc bỏ phiếu này "chẳng thay đổi điều gì".

"Bà Theresa May đã mất đa số sự ủng hộ trong Nghị viện, chính phủ của bà ấy thì lộn xộn và bà ấy không thể thực hiện được một thỏa thuận Brexit có lợi cho đất nước".

Đảng Lao động cho biết Đảng này sẽ đệ trình một cuộc thảo luận bỏ phiếu bất tín nhiệm mà tất cả Nghị viện chứ không phải chỉ riêng đảng Bảo thủ đều có thể bỏ phiếu khi họ cảm thấy họ có cơ hội chiến thắng và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử.

Stephen Gethins thuộc Đảng Quốc gia Scotland (SNP) hối thúc đảng Lao động cần "hành động quyết liệt", đồng thời kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May khi cáo buộc chính phủ "chơi đùa với cuộc sống của nhân dân".

Phó lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ DUP (đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland), ông Nigel Dodds thì cho rằng đảng của ông vẫn tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Theresa May và nhận định cuộc bỏ phiếu này không thực sự thay đổi điều gì.

Con đường phía trước của Thủ tướng Anh Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ nỗ lực thực hiện thỏa thuận Brexit của mình mà bà cho rằng đây là lựa chọn duy nhất để rời EU theo tuần tự cho đến ngày 29/3.

Cuối bài phát biểu trước các nghị sĩ sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng May cam kết bà sẽ tiếp tục nỗ lực trên tư cách một nhà lãnh đạo trước khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra năm 2022.

Thủ tướng Anh khẳng định "trong thâm tâm", bà muốn tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo nhưng bà nhận ra rằng đảng Bảo thủ của bà không muốn điều đó xảy ra.

Nếu bà May thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà sẽ phải từ chức vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và sau đó là vai trò Thủ tướng.

Thủ tướng Anh dự kiến sẽ tới Brussels tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 13/12 để tiếp tuc thuyết phục các nhà lãnh đạo EU thay đổi thỏa thuận mà trước đó họ khẳng định rằng không thể đàm phán lại./.