Sự việc bắt nguồn từ cuối năm 2014, tin đồn thất thiệt bị tung ra từ phía Đài Loan, cho rằng vùng trồng chè của Lâm Đồng, trong đó có dòng chè cao cấp Ô long được trồng trên vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin từ thời còn chiến tranh.

thu phu che giam manh dien tich
Ngành sản xuất chè của Lâm Đồng tiếp tục gặp khó đầu ra

Lập tức, hàng trăm tấn chè của Lâm Đồng bị chặn lại tại các cửa khẩu, không thể thông quan vì phải đợi nhà chức trách địa phương làm rõ thông tin này.

Mặc dù ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra thông cáo bác bỏ tin đồn nhưng hệ lụy của nó đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tới ngành chè của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè bị các đối tác nghi ngờ về chất lượng chè, sản lượng chè thương phẩm xuất khẩu của Lâm Đồng giảm ít nhất 50% chỉ trong vài tháng.

Vào giữa năm 2015, tỉnh Lâm Đồng tồn kho cả nghìn tấn chè thương phẩm, trong đó có cả dòng chè cao cấp Ô long. Cũng từ đó đến nay, đầu ra của ngành chè Lâm Đồng tiếp tục gặp trở ngại, các doanh nghiệp, người trồng chè lâm vào cảnh khó khăn vì khó tìm kiếm thị trường. Nhiều diện tích chè tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc bị bỏ hoang hoặc sản xuất, chăm sóc cầm chừng để thăm dò sự chuyển biến của thị trường.

Trong vòng hai năm qua, nhiều gia đình, doanh nghiệp không còn đủ sức kiên trì chờ chè lên giá và đầu ra ổn định, buộc phải phá bỏ một phần diện tích cây trồng này.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 2010, diện tích chè của tỉnh này đạt gần 26.000ha. Tuy nhiên, sau những tháng năm “khủng hoảng” của ngành chè, đến nay còn chưa tới 19.000ha, tức khoảng 7.000ha chè đã phải “hóa kiếp” vì sự bế tắc của thị trường.

Trong khi diện tích cây chè giảm mạnh thì diện tích cây cà phê lại tăng lên nhanh chóng. Hiện Lâm Đồng có trên 162.000ha cà phê, trong khi đó theo quy hoạch đến năm 2020 có 150.000ha.

Trước sự sụt giảm mạnh diện tích cây chè, tỉnh đưa ra các giải pháp duy trì, phát triển diện tích, chuyển đổi giống chè để tăng năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nhưng đến nay vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Nguyên nhân chính vẫn là do đầu ra của cây chè vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời kỳ còn thịnh vượng, vào trước năm 2014, sản lượng chè búp tươi của tỉnh Lâm Đồng ước đạt 230.000 tấn. TP Bảo Lộc tập trung tới 219 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh chè với công suất của các nhà máy đạt gần 52.000 tấn. Trong đó có 22 doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp đi nước ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu gồm chè Ô long, chè xanh, chè xanh ướp hương và chè đen. Thị trường tiêu thụ trải dài từ các nước Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Singapore), khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan) đến các nước Trung Á (Apganistan, Pakistan, Ả Rập) và Mỹ…

Chỉ tính riêng sản lượng xuất khẩu chè của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại Bảo Lộc, giá trị xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 20,3 triệu USD trong năm 2014. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, sau tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng trồng trên đất nhiễm dioxin, loại sản phẩm này lâm vào cảnh “túng quẫn” đầu ra kéo dài. Đó là nguyên nhân chính khiến khoảng 7.000ha chè các loại phải phá bỏ để chuyển sang các loại hoa màu khác cho hiệu quả kinh tế hơn.

HOÀNG HẠNH