Trái với dự báo của giới chuyên gia về khả năng vượt ngưỡng 100 USD/thùng sau khi lệnh trừng phạt Iran của Mỹ có hiệu lực vào ngày 5/11. Tuy nhiên, “nghịch lý” cung – cầu đã xảy ra, cung giảm, giá cũng giảm theo, khiến giới nghiên cứu thị trường và dư luận phải đặt câu hỏi.

thu giai ma nghich ly gia dau the gioi
Giá xăng dầu ngày 10/11 rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ 60 USD/thùng và 70 USD/thùng.

Giá cả lao dốc khi nguồn cung giảm

Giá xăng dầu ngày 10/11 có xu hướng đi ngang sau khi rơi xuống mức thấp. Theo đó, giá dầu WTI giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng và dầu Brent thấp hơn 70 USD/thùng. Tại Sàn giao dịch New York, giá dầu WTI giảm 0,8% xuống 59,27 USD/thùng. Tại sàn giao dịch Liên lục địa London, giá dầu Brent giảm 0,6% xuống 69,15 USD/thùng.

So với đỉnh cao của 4 năm trước đó, giá dầu WTI dầu Brent giảm lần lượt 21% và 20%. Đợt bán tháo vừa qua một phần là do một số nước thành viên OPEC đã tiên lượng trước được giá dầu sẽ ở dưới ngưỡng hỗ trợ, nhất là khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Iran.

Giá xăng tại Mỹ giao ngày 10/11 cũng giảm nhẹ 1,75% xuống 1,61 USD/gallon (41 gallon bằng 1 thùng). Tại thị trường Singapore, giá xăng 95 (giao tháng 12) ngày 8/11 đã giảm 1,57% xuống 71,6 USD/thùng. Hợp đồng xăng 92 (giao tháng 12) cũng giảm 1,62% xuống 69,8 USD/thùng.

Nếu tính trong 2 ngày liên tiếp (10 và 11/11), giá cả xăng dầu vẫn liên tục lao dốc và đang hướng đến những ngưỡng giá cả thấp hơn, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia về sự suy giảm nguồn cung.

Theo đó, giá xăng dầu ngày 10/11, tính đến đầu giờ sáng, đang giao dịch ở ngưỡng: Giá dầu thô sàn Nymex (giao tháng 11) là 73,39 USD/thùng (giảm 1,2 USD) đến ngày 11/11 giá giao tháng 12 của loại dầu này chỉ còn 59,84 USD/thùng, giảm tới 13,55 USD/thùng so với tháng 11.

Giá dầu Brent giao tháng 11 là 83,68 USD/thùng, (giảm 1,03 USD so với hôm trước), cùng loại dầu nêu trên giao tháng 12 là 69,74 USD/thùng, giảm tới 13,94 USD/thùng so với tháng 11.

Giá dầu thô trên sàn Tokyo giao tháng 11 là 55.720 JPY/thùng, (giảm 1.020 JPY so với hôm trước) và cũng loại dầu nêu trên giao tháng 12 là 48.630 JPY/thùng, giảm tới 13,94 JPY/thùng so với tháng 11.

Giá xăng thành phẩm trên sàn Nymex ngày 10/11 là 160,95 USD/gallon , giảm 4,1 USD so với hôm trước và cùng loại dầu nói trên 202,49 USD/gallon, giảm tới 6 USD/gallon.

Tại Iran, theo giới quan sát thì lượng dầu xuất khẩu của nước này trong tuần đầu tháng 10 giảm hơn 50% so với hồi tháng tháng 4 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày; so với tháng 9 là 1,6 triệu thùng/ngày và so với tháng 1 là 2,5 triệu thùng/ngày. Đây là diễn biến mới nhất do tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.

Điều “ẩn sâu” sau lệnh trừng phạt

Sự nhạy bén của giới đầu tư và thị trường đã sớm nhận thấy sự tiềm ẩn của nguồn cung từ Mỹ. Không ngoài dự đoán của một số chuyên gia, hồi mấy tháng trước rằng, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tăng; kinh tế các nước OPEC tiếp tục phục hồi; nguồn dầu dự trữ dầu từ các nước còn lớn và việc các đồng mình và đối tác phản đối quyết định của ông D. Trump rút khỏi JPOA.

Theo giới quan sát, ngay từ khi có dấu hiệu giá dầu tăng, số giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã gia tăng đáng kể (từ 10 giàn lên mức 844 giàn hồi tháng 9) bởi mức mức giá 70 USD/thùng đã thu hút mạnh các nhà đầu tư dầu đá phiến tái khai thác trở lại.

Sản lượng dầu thô Mỹ hiện đã đạt kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày càng gây áp lực cho thị trường. Số lượng giàn khoan Mỹ trong tuần qua cũng tăng thêm 12 giàn, đánh dầu tuần tăng thứ 3 liên tiếp, theo dữ liệu của Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.

Các chuyên gia tại Commerzbank cho biết, mức giá dầu thô hiện tại cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đang lấy lại sức mạnh về giá, vốn đã mất sau sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ khiến giá dầu lao dốc trong hơn 3 năm trước.

Mối lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu bắt đầu trở lại trên thị trường khi các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ và một số dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô tại Iraq, Abu Dhabi và Indonesia sẽ tăng nhanh hơn dự kiến trong năm 2019.

Mặt khác, phải kể đến đó là sự phản đối các nước đồng minh và đối tác lớn, khiến Washington buộc phải miễn trừ cho 8 quốc gia mua dầu của Iran thanh toán bằng đồng USD, trong một thời gian trước khi hoàn toàn ngưng hẳn mọi thương vụ với Tehran như các nước, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Hy Lạp, Đài Loan và Trung Quốc.

Điều quan trọng hơn, theo giới phân tích thì động thái rút Mỹ khỏi JPOA của ông Trump dẫn tới tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, ngoài các lý do thù địch của Mỹ, đây còn là chiến lược năng lượng trong dài hạn của Tổng thống Trump, với chủ trương khai thác triệt để nguồn tài nguyên truyền thống của Mỹ ngay trước thềm của kỷ nguyên năng lượng phi tái tạo kết thúc trong vài thập niên tới.

Như vậy, với những chuyển động trên chính trường Mỹ, khu vực Trung Đông và thế giới với nhiều biến số phức tạp, khó lường, khiến giá dầu trên thị trường toàn cầu có những biểu hiện “nghịch lý” không thuận theo dự báo trước đó. Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, giá dầu dù có giảm nhưng khó giảm sâu hơn nữa, bởi nhiều yếu tố thuận nghịch đan xen, trong đó phải kể đến chiến lược năng lượng mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump./.