Tham gia đoàn công tác còn có đại diện cán bộ làm công tác xây dựng NTM thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay

Tại hội nghị, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Bình cho biết, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có 64/119 xã (đạt 53,8% tổng số xã) đạt chuẩn NTM; đến hết năm 2017, phấn đấu có thêm 16 xã về đích.

thu do va co do chia se bi quyet hay lam nong thon moi
Nghề nuôi ong đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số huyện của Ninh Bình. Ảnh: Phạm Quân

Theo ông Hà, hiện tỉnh có huyện Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt huyện đạt chuẩn NTM. TP.Tam Điệp đang hoàn thiện hồ sơ trình T.Ư thẩm định. Số tiêu chí bình quân đạt chuẩn là 16,5/xã. Tỉnh không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Tổng nguồn vốn xây dựng NTM toàn tỉnh đến hết tháng 9.2017 ước đạt 30.978 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do nhân dân đóng góp khoảng 8.014 tỷ đồng. Còn lại là nguồn vốn T.Ư, huyện, xã, các tổ chức, doanh nghiệp, các dự án lồng ghép…

Cũng theo ông Hà, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã có nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy xây dựng NTM tại các địa phương. Điển hình như: Ưu tiên để lại 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã đạt chuẩn NTM; cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, dồn điền đổi thửa, xi măng làm đường giao thông nông thôn… Cùng với đó là máy móc, trang thiết bị hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả cao theo Đề án 06/ĐA-UBND và Đề án 29/ĐA-UBND của UBND tỉnh.

Thông tin tới hội nghị, ông Lê Thiết Cương - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TP.Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, những năm qua, Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Với diện tích đất canh tác nông nghiệp không lớn, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp chuyên canh, tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 239 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân đạt khoảng 38 triệu đồng/năm (tháng 9.2017).

Đến nay, thành phố đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Hai huyện Gia Lâm, Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thành NTM đầu năm 2018.

"Hà Nội cũng đang hướng đến mục tiêu cuối năm 2020, có 10/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, trên 80% tổng số xã về đích NTM. Thu nhập bình quân đầu người nông dân đạt trên 49 triệu đồng/năm. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%..." - ông Cương chia sẻ

Tại hội nghị, đại biểu hai Văn phòng điều phối NTM của Hà Nội và tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xây dựng NTM. Ông Trần Văn Hà đánh giá cao một số mô hình của Hà Nội như “đường có hoa”, “nhà có số” của huyện Đan Phượng; mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Thanh Trì; hiệu quả từ dồn điền đổi thửa tại huyện Sóc Sơn; phát huy vai trò của hợp tác xã huyện Thanh Oai…

Đặc biệt là bài toán thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Theo ông Hà, đây là những khía cạnh phát triển nổi bật của Hà Nội mà tỉnh Ninh Bình cần tiếp thu, học tập, từng bước nghiên cứu triển khai, áp dụng vào thực tiễn phát triển của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020…

Theo ông Lê Thiết Cương, Hà Nội và Ninh Bình là hai địa phương có những đặc điểm khá tương đồng về địa hình. Do đó, những cách làm sáng tạo, tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của tỉnh Ninh Bình là những kinh nghiệm hết sức quý giá để Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác xây dựng NTM của thành phố.

Phối hợp để làm hài lòng người dân

Ông Cương cho biết thêm, so với con số 31,7% các xã trên cả nước đạt chuẩn NTM, Hà Nội hiện đạt hơn 60% là một con số rất ấn tượng phản ánh đúng những kết quả Hà Nội đã làm trong những năm qua.

"Ngoài đời sống người dân Thủ đô ngày một nâng cao, kết quả rõ nét nhất của Hà Nội là cảnh quan và môi trường trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Đó là những con đường đầy hoa, môi trường trong lành ở những làng nghề và đặc biệt sự hồi sinh của “những dòng sông chết”…" - ông Cương khẳng định.

Chia sẻ thêm với các cán bộ, lãnh đạo của Ninh Bình về kinh nghiệm xây dựng NTM, ông Cương cho rằng: "Trong xây dựng NTM, cùng với việc nỗ lực, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí NTM, các huyện của Hà Nội đã và đang triển khai lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân. Bởi chỉ khi được người dân đánh giá hài lòng thông qua phiếu đánh giá thì chương trình mới thực sự thành công".

Cũng theo ông Cương, chương trình đi thực tế trao đổi kinh nghiệm là hoạt động được Văn phòng điều phối NTM TP.Hà Nội tổ chức thường xuyên. Mục tiêu là không chỉ là học hỏi những cách làm hay từ các tỉnh, thành phố, áp dụng vào thực tiễn cho Hà Nội, mà qua đó còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cũng như năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các huyện, thị xã.