Chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND).

thong qua nghi quyet ban hanh quy che huong dan hoat dong hdnd
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Quốc hội)

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND các cấp đã có nhiều cố gắng trong đổi mới cả về tổ chức và đổi mới cả về phương thức hoạt động để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật có liên quan, còn có những nội dung quy định có tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc có những nội dung chưa được Luật quy định… Để khắc phục những bất cập này, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hơn 30 văn bản xử lý các vướng mắc cụ thể.

Tuy nhiên, Thường trực HĐND nhiều tỉnh, thành phố đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn chung về tổ chức và hoạt động của HĐND. Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động của HĐND là thật sự cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay về hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND.

Trình bày báo cáo Thẩm tra dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của HĐND các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã chuẩn bị đầy đủ, bao gồm Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo tổng kết, Báo cáo đánh giá tác động, Bản tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Chính phủ.

Góp ý vào Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Khoản 1 Điều 2 quy định đối với những vấn đề phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND thì Thường trực HĐND triệu tập kỳ họp HĐND bất thường.

Cần tên riêng để phân biệt với kỳ họp thường lệ là cần thiết, song chữ “bất thường” có thể khiến nhân dân đặt câu hỏi về tình hình đặc biệt, bất khả kháng, trong khi thực tế những nội dung họp bàn và được quyết định trong các kỳ họp bất thường đều rất bình thường.

Ông Hà Ngọc Chiến đề xuất thay từ “bất thường” thành từ khác, chẳng hạn như “kỳ họp chuyên đề” để dư luận dễ tiếp nhận và hiểu sát hơn về tình hình kỳ họp.

Về cách gọi này, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trích dẫn điều 80 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có nói về kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng vấn đề này đã được trao đổi, bàn thảo nhiều lần, nên tiếp tục giữ nguyên cách gọi.

Cho ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ ra rằng, Điều 1 Dự thảo Nghị quyết quy định trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND yêu cầu thì Thường trực HĐND xem xét, quyết định tổ chức kỳ họp HĐND bất thường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, cần quy định chặt chẽ hơn nữa về nội dung này vì trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy chi tiết về thẩm quyền này.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã thay mặt Ban soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi thảo luận, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân./.