Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đã đặt câu hỏi: “Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo song vẫn chưa thấy sự khởi sắc. Theo số liệu thống kê, sáu tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 30%. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tổng lượng khách lưu trú tăng cao như: Quảng Nam tăng 11,75%, Khánh Hòa tăng 25%, Quảng Bình tăng 15,3%, Đà Nẵng tăng 5,9% ... Trong khi đó, lượng khách lưu trú đến Huế 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá chậm, chỉ tăng 2,08% so cùng kỳ, bình quân thời gian lưu trú của khách chỉ còn 1,78 ngày/lượt khách (thấp hơn mức bình quân 1,9 đến 2 ngày/lượt của thời kỳ 5 năm trước). Đề nghị UBND tỉnh phân tích, làm rõ nguyên nhân và cho biết giải pháp cụ thể trong thời gian tới để khắc phục tình trạng nói trên?”

Thiếu các sản phẩm du lịch về đêm

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời chất vấn (ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của UBND tỉnh đã trả lời vấn đề “trăn trở” từ nhiều năm nay cho ngành du lịch Huế này. Theo ông Minh có nhiều nguyên nhân, thứ nhất về sản phẩm du lịch tại Huế còn thiếu nhiều. Cụ thể sản phẩm du lịch về đêm và các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu và yếu, chưa thu hút, hấp dẫn được du khách, chất lượng dịch vụ không cao với hai sản phẩm chủ lực là ca Huế trên sông Hương và Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Chưa hình thành được không gian với thiết chế văn hóa kết hợp khu ẩm thực Huế hoàn chỉnh ở tuyến đường Lê Lợi.

Chương trình “Đại Nội về đêm” là một sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch ban đêm của Huế và định hướng phát triển sản phẩm về đêm trên địa bản. Tuy nhiên, việc Đại Nội mở cửa về đêm mới chỉ thực hiện trong vòng 2 tháng và đang ở giai đoạn giới thiệu sản phẩm và chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Để thu hút nhiều hơn lượng du khách thì Chương trình cần hoàn thiện, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, điều chỉnh và khắc phục những hạn chế ban đầu nhằm hướng đến trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn trong thời gian tới.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

"Đại Nội về đêm" của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa thực hiện đã bước đầu đem lại một điểm đến về đêm thú vị cho du khách, nhưng chừng ấy là chưa đủ cho sản phẩm du lịch đêm tại Huế

Huế hiện vẫn đang thiếu các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm quốc gia và quốc tế diễn ra tại địa phương diễn ra đều trong quý, tháng (năm 2017 chỉ có sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế là có quy mô tương đối lớn tổ chức tập trung vào dịp lễ 30/4 -01/5), trong khi các địa phương bạn có những sự kiện lớn và kéo dài (Đà Nẵng có Festival Pháo hoa kéo dài trong 2 tháng, nhiều hội nghị quốc tế lớn; Quảng Nam có Festival Di sản văn hóa Quảng Nam và một số hội nghị quy mô lớn của tỉnh và trung ương phối hợp tổ chức).

Một số sản phẩm mới đã hình thành như các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá. Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm này còn nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa có sự kết nối thành tour tuyến; công tác quảng bá cho các sản phẩm này còn hạn chế, chưa thu hút khách du lịch.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Đầm phá rộng lớn ở Huế hiện vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng du lịch (ảnh: Hồ Cầu - TTXVN)

Ngoài ra, một số sản phẩm du lịch khác vẫn đang còn giai đoạn chuẩn bị đầu tư, còn hoàn thiện các thủ tục liên quan (dịch vụ tour Hop on - Hop off / loại hình tour linh hoạt và tiện lợi kết hợp giữa vận chuyển và tham quan các tuyến điểm ở địa bàn thành phố và tỉnh, dịch vụ vận chuyển bằng phương tiện thân thiện với môi trường) hoặc đang tiếp tục được bổ sung hoàn thiện nội dung, hình thức triển khai, dịch vụ kèm theo.

“Du lịch biển từng mang lại lợi thế cho tỉnh Thừa Thiên Huế về lượng khách tham quan và lưu trú; đặc biệt ở khu vực Lăng Cô và Thuận An. Tuy nhiên ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016 vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng tâm lý khách du lịch quyết định tham gia loại hình du lịch biển tại Huế. Ngoài ra, so với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, chúng ta vẫn chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng biển, các dịch vụ bổ sung gắn với du lịch biển mang tính hấp dẫn ngoại trừ Laguna.

Các dự án du lịch lớn, mang tính chiến lược của một số Tập đoàn đầu tư có thương hiệu đang đầu tư tại Huế là một kỳ vọng cho sự phát triển đột phá và tạo điểm nhấn về thương hiệu, tạo ra sản phẩm để thu hút khách. Tuy nhiên, đến nay các dự án này tiến độ triển khai rất chậm ngoại trừ khu thương mại, dịch vụ Vingroup” – ông Minh cho hay.

Lữ hành địa phương khai thác chỉ được 3% khách đến Huế

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng khách du lịch đến Huế chưa mạnh cũng là do sự hạn chế của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác, kết nối khách du lịch từ các thị trường quốc tế. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị lữ hành ở Huế với khoảng 89 đơn vị chỉ khai thác và phục vụ khoảng 50.000 lượt khách (ước tính 1 hãng lữ hành tại Huế khai thác được 561 khách trong 6 tháng – PV), chiếm khoảng 3% khách du lịch đến Huế. Như vậy, khách đến Huế chủ yếu vẫn dựa vào các hãng lữ hành lớn ở hai đầu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; gần đây có một lượng khách đến Huế thông qua một số công ty lữ hành ở Đà Nẵng và qua các trang mạng du lịch như TripAdvisor, Agoda, Traveloka... hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng.

Nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp cho công tác phát triển sản phẩm du lịch còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp du lịch Huế, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành thiếu tiềm lực để đầu tư, chỉ tập trung theo hướng khai thác và kết nối xây dựng tour có sẵn là chính. Thừa Thiên Huế chưa có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đủ mạnh để tạo ra những sản phẩm du lịch thúc đẩy sự tăng trưởng đột biến du khách đến Huế.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Du lịch Huế hiện vẫn chưa vượt qua được mức thời gian lưu trú 2 ngày/lượt khách mà còn có dấu hiệu đi xuống từ 1,9-2 ngày/lượt thời gian 5 năm trước xuống còn 1,78 ngày/lượt hiện nay

Bên cạnh đó công tác quảng bá xúc tiến chưa có sự đầu tư lớn, có chiều sâu và tập trung đối với những thị trường khách lớn truyền thống (Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ) hoặc các thị trường tiềm năng, đang nổi như (Hàn Quốc, Nhật Bản,..).

Cũng theo ông Minh, hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là việc khai thác các đường bay quốc tế đến Huế đã ảnh hưởng lớn đến du khách. Lượng khách du lịch đến Huế bằng đường hàng không thấp vì không tận dụng được nguồn khách từ các chuyến bay quốc tế, trong khi đó một số địa phương như Đà Nẵng (khai thác đường bay trực tiếp đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan), Khánh Hòa (khai thác mạnh đường bay trực tiếp đến Đài Loan và Trung Quốc và Nga, như Vietjet Air khai thác 6 chuyến mỗi ngày từ Đài Loan đến Nha Trang),.. khai thác trực tiếp mạnh các chuyến bay quốc tế.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Hình ảnh rất đáng buồn ở sân bay quốc tế Phú Bài hàng đêm khi điện bóng mở bóng tắt làm cả sân bay "tờ mờ". Tình trạng này được nhiều người phản ánh, than phiền nhưng lãnh đạo sân bay không chịu thực hiện

Nguồn khách du lịch đến Huế qua đường hàng không chỉ khai thác được hai đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong khi đó đường bay Huế - Đà Lạt đang gặp khó khăn trong việc duy trì chuyến bay thường xuyên.

Ngoài ra hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch mới và hạ tầng phục vụ du khách tại các điểm đang còn hạn chế và chưa có tính kết nối cao từ thành phố Huế (đường đi, bãi đỗ xe, bến thuyền, hệ thống dịch vụ); hạ tầng đường giao thông ở thành phố đang bị ảnh hưởng do dự án cải thiện hệ thống cấp thoát nước…

Tăng cường quảng bá Huế, tổ chức các sự kiện lớn hàng tháng…

Nhiều đại biểu đã có ý kiến muốn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần tăng cường quảng bá điểm đến. Các ý kiến cho rằng cần tổ chức các đợt giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch tại các thị trường khách nội địa lớn và các đơn vị lữ hành quốc tế; quảng bá du lịch đi đôi với quảng bá văn hóa Huế; duy trì các đường bay đã có và mở thêm một số đường bay mới; đầu tư các khu vui chơi, giải trí, nâng tầm các dịch vụ du lịch về đêm.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết cần nghiên cứu xây dựng Kế hoạch tổ chức các sự kiện hàng tháng tại Huế thử nghiệm trong năm 2018 và tổ chức thực hiện trong các năm về sau nhằm thu hút khách du lịch đến Huế. Các sự kiện sẽ diễn ra với chủ đề phù hợp theo từng thời điểm trong năm (ví dụ như lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hội sen hoa, lễ hội múa lân, lễ hội bia...).

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Các thuyền hoa dạo mát trên sông Hương và thả hoa đăng trong lễ Phật Đản

Tiếp đến cần đẩy mạnh việc khai thác dịch vụ thuyền trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương bằng việc chuyên nghiệp hóa về điều kiện thuyền, ca Huế và các dịch vụ bổ sung kèm theo. Hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật ở một số khu vực trên đường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo để cùng gắn với các khu phố đi bộ, phố đêm.

Một số dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá cần quyết liệt triển khai để sớm đưa vào hoạt động tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như dự án triển khai giai đoạn 2 của Laguna (trong đó có dịch vụ casino), dự án khu thương mại, dịch vụ Vingroup ở Huế, các dự án nghỉ dưỡng và sân golf của các tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Dự án khu thương mại, dịch vụ Vingroup đang chuẩn bị hoàn thành vào năm 2018 sẽ tạo cho Huế một điểm nhấn mới về du lịch, dịch vụ, giải trí

“Tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa di sản, cụ thể tại Đại Nội và hệ thống lăng, nghiên cứu xây dựng các dịch vụ có tính tương tác cao giữa khách du lịch và điểm đến. Nghiên cứu xây dựng các dịch vụ du lịch dành cho thị trường khách Hàn Quốc (là thị trường khách du lịch đến Huế lớn nhất hiện nay).

Ngoài việc tiếp tục khai thác thị trường truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa thu hút nguồn khách du lịch từ các thị trường có thị phần lớn nhất hiện nay đến Huế là khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng thị trường tại Đài Loan cũng như một số địa phương của Trung Quốc để tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Du khách đi dạo tại phố Tây Huế - đường Lê Lợi buổi đêm (Ảnh chụp giữa tháng 7/2017)

Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Huế thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, qua trang fanpage và trang web 2 thứ tiếng Anh, Việt của Sở và trên ứng dụng điện thoại thông minh nhằm định hướng phương pháp quảng bá du lịch Huế theo hướng dễ dàng tiếp cận với du khách” – ông Minh nêu thêm một số giải pháp thiết yếu.

Đặc biệt Huế phải tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch: chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý trong và ngoài giờ hành chính, trên các tuyến đường chính, các điểm du lịch tập trung đông khách. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ký cam kết và treo công khai các bản cam kết không để các trường hợp bán hàng rong, bán vé số, ăn xin biến tướng, đeo bám, chèo kéo khách xảy ra tại cơ sở trên địa bàn quản lý.

thoi gian luu tru khach tai hue tiep tuc giam

Cần mạnh tay, chấm dứt với nạn chèo kéo khách tại cố đô Huế