Vào thời điểm chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử Liên bang tại Đức, cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên và duy nhất giữa 2 ứng cử viên chính cho chiếc ghế Thủ tướng Đức là nữ đương kim Thủ tướng Angela Merkel của đảng Dân chủ cơ đốc giáo – CDU và đối thủ là ông Martin Schulz của đảng Dân chủ xã hội – SPD, đã diễn ra vào tối ngày 3/9, theo giờ địa phương tại Đức.

Trong buổi tranh luận kéo dài 90 phút được truyền trực tiếp bởi 4 kênh truyền hình lớn nhất tại Đức và dự kiến thu hút khoảng 20 triệu người xem, bà Merkel và ông Schulz đã tranh luận về nhiều chủ đề nổi bật của nước Đức, như vấn đề nhập cư, tương lai của ngành công nghiệp ô-tô tại Đức hay việc Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu.

tho nhi ky khong co cho dung trong lien minh chau au

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Với sự tự tin có được nhờ tỷ lệ ủng hộ vượt trội của cử tri Đức trong thời điểm hiện tại, bà Angela Merkel được đánh giá là đã làm chủ được cuộc tranh luận và đứng vững trước các đòn công kích từ ông Schulz.

Trong khi ông Schulz tập trung vào các luận điểm liên quan đến chính sách tiếp nhận người tị nạn, về việc thiếu vắng tranh luận chính trị tại Đức cũng như việc chính phủ Đức chi quá ít cho đầu tư công khiến chất lượng sống của dân chúng Đức không được cải thiện thì bà Merkel lại hướng cuộc tranh luận sang các hứa hẹn về cải cách giáo dục và kinh tế số.

Giới phân tích đánh giá, về tổng thể bà Merkel và ông Schulz tuy bất đồng về nhiều chủ đề nhưng đó không phải là khác biệt quá gay gắt. Trong các vấn đề lớn, mặc dù ở vị trí đối thủ nhưng hầu như ông Schulz và bà Merkel đều cơ bản có các quan điểm giống nhau. Điểm nổi bật là việc cả bà Merkel lẫn ông Schulz đều cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể có chỗ đứng cho Liên minh châu Âu.

tho nhi ky khong co cho dung trong lien minh chau au

Ông Martin Schulz (Ảnh: Getty)

Đây là quan điểm rất đáng chú ý bởi là lần đầu tiên bà Merkel bày tỏ công khai sự phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu. Với bà Merkel và ông Schulz, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đã vượt qua các lằn ranh đỏ trong quan hệ với Đức và các cuộc đàm phán gia nhập về việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu cần sớm chấm dứt.

Trong các chủ đề quan trọng khác, hai bên cũng không quá khác biệt, như việc cùng đồng ý phải siết chặt với biện pháp an ninh để đối phó với Hồi giáo cực đoan. Bà Merkel tuyên bố sắp tới chính quyền Đức sẽ đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo truyền tải các thông điệp thù hận. Trong vấn đề nội trị, bà Merkel tuyên bố đảng CDU sẽ không chấp nhận liên minh với các đảng dân tuý Tương lai cho nước Đức – AfD hay đảng thiên tả Die Linke.

Ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, kênh truyền hình ARD công bố kết quả thăm dò dư luận chớp nhoáng cho thấy, bà Merkel được cử tri Đức đánh giá cao hơn ông Schulz. Kết quả này cho thấy, khả năng ông Schulz và đảng Dân chủ tự do lật ngược được thế cờ trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 24/9 tới là rất thấp bởi ưu thế vượt trội trong cử tri Đức của bà Merkel và đảng Dân chủ cơ đốc giáo và về mặt truyền thông, chiến dịch tranh cử tại Đức hầu như không còn cột mốc đáng chú ý nào nữa trong 3 tuần tới./.